Tòa rối vì hai giấy khai sinh

Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM vừa hoãn phiên tòa vụ chị Trâm (quận 10, TP.HCM) kiện ông bà Tàu (huyện Giá Rai, Bạc Liêu) trong vụ tranh chấp xác định mẹ cho con và yêu cầu trực tiếp nuôi dưỡng con.

Giành quyền nuôi con sau bảy năm xa cách

Theo hồ sơ, chị Trâm và anh Thuận có quan hệ tình cảm, chung sống với nhau, không đăng ký kết hôn và có một đứa con sinh năm 2005.

Chị Trâm trình bày: Con chị tên Trịnh ST. Sau khi sinh, anh Thuận yêu cầu nên chị giao con cho anh nuôi dưỡng. Trước khi đi Thụy Sĩ, anh Thuận giao con cho vợ chồng người chị ruột là ông bà Tàu nuôi dưỡng. Do hoàn cảnh khó khăn, chị phải lên Sài Gòn làm ăn nhưng thỉnh thoảng vẫn sắp xếp về thăm cháu T. Ban đầu vợ chồng ông Tàu vẫn tạo điều kiện cho chị thăm nom con nhưng thời gian gần đây không tạo điều kiện nữa.

Chị đã yêu cầu giao cháu T. cho chị nuôi dưỡng nhưng họ không đồng ý. Tìm hiểu, chị biết vợ chồng ông Tàu đã làm khai sinh cho cháu T. lấy tên là Nguyễn ST. Không đồng ý với việc này, chị khởi kiện tại TAND tỉnh Bạc Liêu vào năm 2012 để yêu cầu xác định chị là mẹ ruột của cháu T. và được trực tiếp nuôi dưỡng con.

Trình bày với tòa, vợ chồng ông Tàu xác định đứa bé sau khi chị Trâm sinh một tháng thì anh Thuận đem về nhà giao cho ông bà nuôi dưỡng. Sau đó anh Thuận sang Thụy Sĩ định cư, đứa bé sống chung với ông bà. Năm bé hai tuổi đi học mẫu giáo ông bà đã làm khai sinh cho bé T. làm con ruột của mình. Suốt thời gian bé từ một tháng tuổi đến nay bảy tuổi chị Trâm không liên lạc, thăm nom gì, ông bà đã lớn tuổi, chăm sóc bé T. đã có tình cảm lâu dài nên không đồng ý giao con lại cho chị Trâm.

 Phải tính đến quyền lợi cháu bé

Xử sơ thẩm tháng 8-2013, HĐXX nhận định tờ thỏa thuận anh Thuận giao cháu T. cho vợ chồng ông Tàu làm con vĩnh viễn không có sự đồng ý, ngoài ý chí của người mẹ là chị Trâm. Cạnh đó, việc ông bà đăng ký khai sinh, nhập hộ khẩu và đổi họ cho cháu T. chưa được sự đồng ý của mẹ ruột và thực tế thủ tục nhận con nuôi của ông bà cũng không đúng Luật Hôn nhân và Gia đình. Từ đó tòa xác định cháu T. là con ruột của chị Trâm.

Theo tòa, pháp luật quy định cha mẹ ruột được quyền ưu tiên trực tiếp nuôi con chưa thành niên. Hiện anh Thuận (cha cháu T.) đang định cư ở Thụy Sĩ, không trực tiếp nuôi con mà giao cho vợ chồng ông Tàu chăm sóc. Nay chị Trâm có nguyện vọng yêu cầu nuôi con không cần cấp dưỡng, chị đủ khả năng, điều kiện nên tòa chấp nhận.

Ngay sau đó vợ chồng ông Tàu và anh Thuận kháng cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, hai bên chỉ trình bày nguyện vọng được nuôi cháu T. Không ai đề cập việc cháu T. hiện đang có hai giấy khai sinh khiến hậu quả pháp lý, quyền lợi của đứa bé sau này sẽ là một vấn đề phức tạp. Một giấy do mẹ dựa trên giấy chứng sinh làm không có tên cha, một giấy khai sinh có tên cha mẹ là vợ chồng ông Tàu.

Khi bị hỏi tại sao sau bảy năm mới khởi kiện đòi con, chị Trâm nói khi biết con bị đổi tên họ mới biết cần đi kiện. Cạnh đó, luật sư của chị cũng cho là bên bị đơn nay đã tuổi già sức yếu, trong khi chị Trâm đã có nhà, có công ty riêng, có thể nuôi con tốt.

Tại tòa, đại diện VKS cho rằng hiện cháu bé có hai giấy khai sinh, cấp sơ thẩm đã chưa xem xét thấu đáo xem giấy nào có giá trị, giấy nào cần hủy để đảm bảo quyền lợi sau này cho cháu. Trường hợp này cần phải có UBND tham gia tố tụng. Cạnh đó, án sơ thẩm cũng chưa xem xét thấu tình đạt lý việc cháu bé sống với ai tốt hơn về tình cảm và sự phát triển của cháu... Từ đó viện đề nghị hủy án, giao về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại.

Sau khi nghị án, HĐXX quyết định hoãn phiên xử để chờ đương sự cung cấp một số tài liệu kiểm chứng và sẽ triệu tập lại phiên tòa sau.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.