Tỉnh Long An đưa ra 2 giai đoạn khôi phục kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND tỉnh Long An vừa ban hành kế hoạch về việc phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An.

Nhanh chóng phục hồi sản xuất

Theo UBND tỉnh Long An, trong đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 của cả nước từ ngày 27-4 đến nay, Long An là một trong những tỉnh nằm trong “tâm dịch” của cả nước, với tổng số ca nhiễm ở mức rất cao.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác phòng chống dịch, đề ra nhiều chủ trương, quyết sách, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phù hợp thực tế địa phương.

Đến nay, công tác phòng chống dịch của tỉnh đã đạt được kết quả rất khả quan, đã vượt qua đỉnh dịch, tổng số ca nhiễm và tỉ lệ tử vong giảm dần, tỉ lệ tiêm vaccine toàn dân đạt rất cao.

Chốt kiểm soát phòng chống dịch trên Quốc lộ 50. Ảnh: NGUYỄN TÂN.

Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch khôi phục hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch này nhằm giúp nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện “mục tiêu kép, thực hiện linh hoạt các biện pháp chống dịch, đảm bảo hài hòa giữa khôi phục sản xuất và yêu cầu phòng chống dịch COVID-19. 

Cụ thể, quan điểm của tỉnh Long An là từng bước chuyển từ nhà nước tập trung phòng chống dịch sang doanh nghiệp và người dân chủ động phòng chống dịch (y tế tại chỗ). Đồng thời, tỉnh cũng từng bước, thận trọng nới lỏng giãn cách, không để dịch bệnh bùng phát.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng có phương án hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi từng bước hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế để ổn định đời sống người dân.

Hai giai đoạn phục hồi

Theo UBND tỉnh Long An kế hoạch được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ ngày 15-9 đến ngày 15-10, giai đoạn hai là sau ngày 15-10.

Trong giai đoạn 1, đối tượng doanh nghiệp được phép hoạt động gồm các doanh nghiệp đang hoạt động theo phương án ba tại chỗ; Các doanh nghiệp có lao động đang ở lại thuộc diện chưa được thẩm định hoặc thẩm định chưa đạt phương án ba tại chỗ phải được thẩm định đạt yêu cầu mới được hoạt động.

Bên cạnh đó còn có các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; Các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu... hoặc là đối tác sản xuất, gia công của các doanh nghiệp đa quốc gia.

Quy định chung là các doanh nghiệp chỉ sử dụng lao động đang cư trú, tạm trú trên địa bàn tỉnh Long An. Riêng đối với chuyên gia, nhà quản lý đang ở ngoài địa bàn tỉnh thì có thể điều hành doanh nghiệp từ xa.

Trường hợp có nhu cầu vào tỉnh Long An làm việc phải đảm bảo các quy định về y tế khi vào địa bàn tỉnh và phải ở lại tỉnh trong quá trình làm việc (không được đi về ngoài tỉnh hàng ngày, việc di chuyển, lưu trú trong tỉnh áp dụng như người lao động bên dưới ). Bên cạnh đó, người lao động phải được tiêm ít nhất một mũi vaccine và thời gian tiêm ít nhất 14 ngày.

Các doanh nghiệp được hoạt động tối đa 50% số lượng lao động so với điều kiện bình thường. Doanh nghiệp tự quyết định việc bố trí nơi lưu trú cho người lao động ở tập trung trong doanh nghiệp (phương án “4 tại chỗ", 3 tại chỗ” và y tế tại chỗ) hoặc nơi cư trú bên ngoài như nhà trọ, nhà riêng ... ) hoặc kết hợp cả hai hình thức.

Trường hợp người lao động về nơi cư trú bên ngoài thì doanh nghiệp phải tổ chức đưa, đón bằng phương tiện chung. Riêng người lao động tiêm đủ hai mũi vaccine được di chuyển bằng phương tiện cá nhân trong địa bàn huyện, thị xã, TP nơi doanh nghiệp hoạt động nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.

Doanh nghiệp phải tổ chức các điểm tập kết người lao động đảm bảo nguyên tắc “5K” để đưa rước và phải thông báo với chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã nơi có điểm tập kết để giám sát. Người lao động cam kết với doanh nghiệp và chính quyền địa phương cấp xã phải đảm bảo nguyên tắc “5K” và chỉ được di chuyển từ điểm tập kết về đến nhà.

Các doanh nghiệp phải đăng ký số phương tiện đưa đón, tài xế, cung đường đi và về để cơ quan có chức năng quản lý, giám sát. Doanh nghiệp phải đảm bảo nguyên tắc trên một phương tiện đưa đón chỉ có người lao động của một doanh nghiệp, người lao động đi xe nào về xe đó, bố trí người lao động chung chuyến, chung xưởng.

Người lao động trước khi trở lại doanh nghiệp làm việc phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ.

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp phải thực hiện xét nghiệm định kỳ bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm RT-PCR (mẫu đơn hoặc mẫu gộp tối đa 10 người), tối đa 7 ngày/lần đối với người thường xuyên tiếp xúc bên ngoài cộng đồng.

Giai đoạn 2 là sau ngày 15-10, tùy vào diễn biến dịch, UBND tỉnh Long An sẽ có quy định cụ thể.

UBND tỉnh Long An yêu cầu Sở Chỉ huy chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm kế hoạch này, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó tình huống dịch bùng phát trở lại trong quá trình mở cửa sản xuất, kinh doanh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm