Tìm cách chặn quân xanh, quân đỏ trong đấu giá, đấu thầu

Vấn đề làm sao hạn chế tình trạng dàn xếp trong đấu giá tài sản và việc giao cho Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tự đấu giá tài sản nhà nước đã được bàn thảo nhiều.

Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay: “Một số ý kiến đề nghị phải có các quy định chế tài chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá, tránh gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến tính hợp pháp của tài sản đưa ra đấu giá, xử lý trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá có hành vi vi phạm, người trúng đấu giá không nhận được tài sản”.

Cho ý kiến về dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh (QPAN) Võ Trọng Việt nhận định thực tiễn cho thấy tiêu cực trong đấu thầu, đấu giá là vấn đề nhức nhối. “Thực tế có doanh nghiệp èo uột nhưng hồ sơ hoành tráng. Đấu thầu, đấu giá xong rồi tự dưng xuất hiện nhiều công ty ma nhưng không ai kiểm soát và chịu trách nhiệm nhưng luật này chưa làm rõ” - ông Việt dẫn chứng.

Nhiều ý kiến khác băn khoăn với tính minh bạch của quy định VAMC được trao quyền tự đấu giá hoặc ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà công ty đã mua. Cụ thể, Điều 54 dự án luật giao “Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn: “Các ngân hàng phát sinh nợ xấu, rồi thành lập ra VAMC để mua lại số nợ này. Nói là mua nợ xấu nhưng bản chất là hạch toán chứ không có tiền để mua. Vì thế, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nêu tỉ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng giảm xuống dưới 3% là chưa chính xác. Nợ mua về thực chất vẫn treo nguyên ở VAMC. Tức là giảm nợ xấu của ngân hàng A, ngân hàng B,... nhưng cuối cùng phần giảm đó đem về để ở VAMC và chưa bán được. Nếu giao cho VAMC tự đi đấu giá thì không bảo đảm tính minh bạch, không rõ ràng”.

Đồng tình, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nói: “VAMC là mô hình mới, rất mới ngay cả trên thế giới, tính hiệu quả chưa được tổng kết, đánh giá. Bây giờ đưa vào luật thì phải tính, cân nhắc” - ông Chiến nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng VAMC được ra đời bởi một nghị định, nếu quy định như dự thảo luật thì vô hình trung đã luật hóa mô hình này trong khi chưa có tổng kết, đánh giá tác động. 

Trước các ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến và sẽ nghiên cứu, nhất là ý kiến cho rằng cần tổng kết mô hình, chưa chắc chắn thì chưa nên quy định, đặc biệt trong bối cảnh coi nợ xấu là bất thường. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm