Tiếp vụ “Phá nhà máy thủy sản ở Sóc Trăng”: Trả hồ sơ vì có dấu hiệu lọt tội phạm

Cuối buổi sáng của ngày xét xử thứ hai, ngày 24-1, TAND tỉnh Sóc Trăng đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung một số vấn đề chưa rõ của vụ án.

Trước đó, công tố viên và các luật sư đồng đề nghị như trên vì có nhiều lời khai còn mâu thuẫn mà điều kiện tại phiên tòa không thể làm rõ, có dấu hiệu sót người lọt tội… Ngoài ra, các luật sư của bên nạn nhân và bị cáo đều đề nghị tòa giải tỏa lệnh tạm giam hai bị cáo để về điều trị bệnh.

Được nhờ đi cẩu máy móc

Hơn một ngày xét hỏi, tòa đã làm bật ra nhiều vấn đề quan trọng của vụ án. Ở ngày xử trước, ông Nguyễn Quốc Văn (nguyên Trưởng Công an huyện Vĩnh Châu) thừa nhận mình có mượn xe của điện lực để cẩu cột điện, còn vì sao xe lại đến nhà máy thủy sản để cẩu tài sản thì ông không biết. Bị cáo Phạm Thị Mai bảo khi đi tìm xe để chuyển máy móc thiết bị thì được xe ôm chỉ cho thuê. Bị cáo không biết đây là xe của ông Văn mượn điện lực, ông Văn không liên quan gì đến việc này.

Tuy nhiên, tại tòa, nhân chứng Nguyễn Ngọc Thanh Hải (tài xế xe cẩu của Điện lực huyện Vĩnh Châu) bảo quá trình điều tra ông khai bất nhất về sự can thiệp của ông Văn vào vụ án vì bị Mai tác động. Bị cáo Mai bảo ông đừng khai ông Văn có dính líu vào vụ án. Ông Hải khẳng định ông được sếp gọi đi chở máy cho ông Văn trưởng công an. Đích thân ông cũng đã gọi điện thoại cho ông Văn và được đề nghị đi chở máy móc cho Mai tại nhà máy Vạn Hưng.

Tiếp vụ “Phá nhà máy thủy sản ở Sóc Trăng”: Trả hồ sơ vì có dấu hiệu lọt tội phạm ảnh 1

Bị cáo Mai, Tùng đều bị bệnh nên được cho ngồi trong suốt quá trình xét xử. Ảnh: TV

“Khi cẩu không nổi những cỗ máy tại Vạn Hưng do quá lớn, tôi về. Bà Mai có hỏi tôi tính tiền công, tôi bảo làm cho chú Hai Văn tôi không dám lấy. Nhưng bà Mai cũng nhét vào túi tôi 2 triệu đồng” - ông Hải nói trước tòa.

Sau khi ông Hải trình bày, một lần nữa cả ông Văn và bị cáo Mai phủ nhận lời khai của ông Hải.

Nhiều tình tiết chưa rõ

Về việc tham gia soạn thảo hợp đồng mua bán nhà máy (cái cớ để bị cáo Mai tháo gỡ tài sản của nhà máy Vạn Hưng, dẫn đến bị khởi tố), ông Văn cho rằng tham gia để giúp cho hai bên giải quyết tốt đẹp chuyện nợ nần. “Tôi xem chủ nhà máy Vạn Hưng như người nhà, như con cháu trong nhà nên mới giúp đỡ” - ông Văn nói. Các luật sư cố gắng tìm ra sự thật ai là người soạn thảo hợp đồng mua bán nhà máy nhưng cả bên nạn nhân và bị cáo đều đổ thừa đối phương chủ động bày vẽ và soạn thảo sẵn.

Về việc tháo gỡ nhà máy, Mai khai mâu thuẫn, khi thì bảo Khư Trí Thức (Phó Giám đốc nhà máy Vạn Hưng) kêu tháo gỡ, khi thì nói tự mình làm để cho Thức xuất hiện nhằm giải quyết nợ nần...

Theo phía người bị hại, trước khi sự cố cưỡng đoạt tài sản xảy ra, ông Văn từng nói rằng (có ghi âm đã qua giám định) nếu không trả nợ cho bà Mai thì ông kêu thợ máy xuống gỡ máy móc trừ nợ và đã thuê thợ rồi. Phía người bị hại khẳng định Ngô Minh Duy (thợ máy) dẫn nhóm thợ xuống tháo gỡ nhà máy là do ông Văn thuê. Tuy nhiên, khi vụ án được khởi tố, Duy đã biến mất một cách kỳ lạ. Cơ quan điều tra không lấy được lời khai nào từ Duy.

Từ những yếu tố trên, phía người bị hại đã yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ dấu hiệu sót người lọt tội của vụ án và được tòa chấp nhận.

Cưỡng đoạt tài sản nhà máy

Theo cáo trạng, Mai được ông Nguyễn Văn Liền (Thốt Nốt, Cần Thơ) nhờ đòi 1,6 tỉ đồng mà nhà máy Vạn Hưng nợ. Sau đó, Mai cho người đến tháo gỡ nhiều máy móc thiết bị của nhà máy (giá trị đến 1,8 tỉ đồng) để trừ nợ. Ăn theo Mai, Võ Thanh Tùng cũng đã gỡ một số tài sản của nạn nhân trị giá khoảng 70 triệu đồng. Phía người bị hại cho rằng ông Văn là người đạo diễn để Mai tháo dỡ nhà máy xiết nợ. Tuy nhiên, VKS nhận định không đủ cơ sở để truy tố ông Văn ở vai trò đồng phạm.

TRẦN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm