Tiếp tay vi phạm xây dựng có thể bị xử hình sự

“Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng (TTXD) nhưng thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu tiếp tay, bao che cho các hành vi vi phạm TTXD thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định…”. Đó là một trong những nội dung được UBND TP.HCM nêu trong Quyết định 30/2019 vừa ban hành, thay thế Quyết định 58/2013 về quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Công an sẽ vào cuộc mạnh tay

Trong thời gian qua, tại TP.HCM, cùng với nạn xây nhà lụi đã có một số cán bộ, công chức bị “nhúng chàm” khi tiếp tay, bao che, dung túng cho các hành vi vi phạm và đã có những cán bộ, công chức bị khởi tố hình sự (Bình Chánh, Nhà Bè…).

Trước đây Quyết định 58 chỉ nêu chung chung về trách nhiệm của ngành công an đối với lĩnh vực TTXD thì Quyết định 30 đã giao nhiệm vụ rất cụ thể cho ngành công an.

Theo đó, lực lượng công an các cấp không chỉ xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế công trình vi phạm mà được giao tổ chức điều tra, xử lý các hành vi vi phạm TTXD nghiêm trọng. Cùng với đó, triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện các vụ việc có dấu hiệu hình sự để điều tra, xác minh kịp thời, khởi tố khi có căn cứ.

Công an cấp huyện, cấp xã sẽ phối hợp với đội thanh tra địa bàn và các cơ quan, đơn vị có liên quan áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời ngăn chặn, xử lý công trình vi phạm, không để tái diễn. Cùng với đó sẽ rà soát các tổ chức, cá nhân đã bị xử lý vi phạm hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng không phép, sai phép để làm cơ sở xử lý hình sự.

“Tập trung vào các vụ việc có dấu hiệu đưa, nhận hối lộ, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng không phép, sai phép. Nhất là các vụ việc liên quan đến các đối tượng đầu nậu, các đối tượng móc nối với cán bộ, công chức để được bảo kê, làm ngơ cho vi phạm” - văn bản nêu.

Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM lập hồ sơ xử lý các công trình xây dựng không phép tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh tháng 3-2019. Ảnh: VIỆT HOA

Cơ quan cấp phép phải kiểm tra, xử lý

Trước đây việc phát hiện, xử lý nhà không phép được giao về cho UBND cấp xã, công trình xây dựng sai phép thuộc trách nhiệm xử lý của Thanh tra Sở Xây dựng.

Theo quy định mới, cơ quan nào cấp phép xây dựng, cơ quan đó sẽ phải có trách nhiệm phát hiện, xử lý vi phạm. Cụ thể, quận/huyện cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ hoặc các công trình do địa phương cấp phép thì sẽ phải kiểm tra, xử lý nếu có vi phạm. Sở Xây dựng sẽ chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng lớn, đặc thù, phức tạp do sở hoặc Bộ Xây dựng, cơ quan ngang bộ cấp giấy phép xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt.

Việc TP ban hành Quyết định 30 nhằm chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém trong công tác phối hợp quản lý nhà nước về TTXD trên địa bàn TP, tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, xây dựng trên đất không được phép xây dựng mà không bị xử lý nghiêm.

Ông LÝ THANH LONGChánh Thanh tra Sở Xây dựng 

Riêng công trình không phép, việc phát hiện, xử lý tiếp tục giao cho UBND cấp xã.

Ngoài trách nhiệm chính của Sở Xây dựng, quận/huyện, phường/xã/thị trấn, Quyết định 30 cũng đã giao cho gần 20 sở, ngành, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan cùng chịu trách nhiệm đối với vi phạm TTXD trên địa bàn.

Chẳng hạn, ngành TN&MT sẽ xem xét tạm dừng việc giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Cùng với đó, rà soát các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn các quận ven và huyện ngoại thành để trình TP điều chỉnh phù hợp.

Sở QH-KT phối hợp với các quận/huyện rà soát các đồ án quy hoạch, ban hành các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, đô thị, thiết kế đô thị đủ điều kiện để cấp phép xây dựng. Sở Tư pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm thừa phát lại, văn phòng thừa phát lại lập vi bằng trái quy định pháp luật. Nhắc nhở các tổ chức hành nghề công chứng không thực hiện công chứng trái pháp luật…

Các hành vi sẽ bị xem xét kỷ luật theo Quyết định 30:

+ Thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho vi phạm.

+ Không phối hợp hoặc thiếu trách nhiệm trong công tác phối hợp xử lý công trình vi phạm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

+ Không phát hiện, xử lý hoặc xử lý không kịp thời theo thẩm quyền đối với thông tin phản ánh về công trình vi phạm TTXD để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

+ Không thực hiện, thực hiện không kịp thời các biện pháp ngừng thi công, đình chỉ thi công hoặc dung túng, tiếp tay cho hành vi vi phạm để công trình tiếp tục xây dựng.

+ Không thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy