“Thuyết khách” Huyền Như và miếng mồi lãi suất

Ngày 7-1, ngày thứ hai xử vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo gần 4.000 tỉ đồng, TAND TP.HCM đã thẩm vấn Huyền Như đầu tiên. Như khai phần lớn tiền chiếm đoạt được dùng để trả cho những khoản vay nặng lãi. Như thừa nhận cáo trạng truy tố mình lừa đảo gần 4.000 tỉ đồng là đúng. “Nợ càng lúc càng lớn, mỗi buổi sáng đi làm lại bị nhắn tin, điện thoại đe dọa, đòi nợ. Cứ rơi vào vòng luẩn quẩn, vòng xoáy tiền bạc nên bị cáo phạm tội” - Như phân trần.

Từ vay cá nhân lãi cao

Bị cáo Như cho biết bắt đầu kinh doanh chứng khoán và bất động sản từ năm 2007. Lúc này bị cáo đang là cán bộ tín dụng của VietinBank Chi nhánh TP.HCM. Sau một thời gian, năng lực vốn của bị cáo đã tăng lên khoảng 50 tỉ đồng. Thấy việc kinh doanh phát triển, muốn tăng thêm lợi nhuận nên bị cáo tìm cách huy động để tăng thêm tiền đầu tư.

Tuy nhiên, từ giữa năm 2008 đến cuối năm 2009, nhiều chủ nợ tăng lãi suất lên cao, trong khi cổ phiếu và bất động sản bán không kịp để trả nợ. Lúc này bị cáo không điều tiết được dòng vốn và lún sâu vào nợ nần. Bị cáo huy động tiền của người sau trả cho người trước, có những khoản chịu lãi suất từ 3,5% đến 5%/ngày. Khi chủ nợ đòi tiền, bị cáo buộc phải vay của người khác với lãi suất cao để lấy tiền trả cho khoản vay trước. Đơn cử như trường hợp vay của Nguyễn Thiên Lý (bị truy tố tội cho vay nặng lãi) với lãi suất 0,4% đến 1%/ngày nhưng khi Lý đòi tiền gấp, Như phải đi vay “nóng” với lãi suất 3,5% đến 5%/ngày để trả cho Lý.

 
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (dưới) đang trả lời tòa ngày 7-1 và các bị cáo tại tòa. Ảnh: HY

Cứ thế, ban đầu bị cáo vay 5-10 tỉ đồng để trả nợ, sau do không kịp trả nên bị cộng gộp lãi vào vốn. Sau đó, số tiền vay tăng lên 40-50 tỉ đồng... Bị cáo nói do mình có kinh doanh, làm đáo hạn nên mọi người cho vay. Ban đầu gọi điện thoại, đến ký giấy nhận nợ, sau này quen không cần ký giấy nhận nợ.

Đặc biệt, trong việc huy động vốn với Giã Thị Mai Hiên, bị cáo đã làm giả nhiều hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa VietinBank Chi nhánh TP.HCM với Hiên với tổng số tiền 2.167 tỉ đồng. Lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng là 10,49%/năm nhưng bị cáo phải trả nhiều khoản chênh lệch ngoài hợp đồng cho Hiên khiến lãi suất đội lên từ 30% đến trên 100%/năm. Hiện tổng số tiền mà bị cáo đã trả cho Hiên là 2.383 tỉ đồng. Theo bị cáo, hiện bị cáo đã trả hết số tiền nợ cho Hiên, còn số tiền 274 tỉ đồng chiếm đoạt như cáo trạng truy tố chỉ là số tiền trên sổ sách do Hiên tính lãi nhập gốc.

Đến lừa hàng loạt công ty, ngân hàng

Chuyển sang vay tiền của pháp nhân, Như khai đầu tiên là Công ty Thái Bình Dương. Bị cáo tiếp xúc giám đốc Phạm Anh Tuấn (cũng là bị cáo trong vụ án, bị truy tố tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ) nói huy động vốn cho VietinBank Chi nhánh Nhà Bè dưới dạng ủy thác vốn đầu tư, lãi suất 10,49%/năm. Từ hợp đồng thứ hai, Tuấn đòi thêm “phí” 0,4%/ngày và rất nhiều phí khác, có khoản trả tiền mặt, có khoản trả bằng chuyển khoản.

Tuy nhiên, Chi nhánh Nhà Bè thấy phần chênh lệch đó cao quá, không trả nổi nên không huy động vốn của Thái Bình Dương. Do quá trình thỏa thuận, Chi nhánh Nhà Bè có soạn thảo hợp đồng và làm sẵn 10 giấy xác nhận gửi tiền cho Thái Bình Dương nhưng sau đó không tiếp tục hợp đồng nữa nên Như đã sử dụng các giấy tờ làm sẵn này để lừa đảo Thái Bình Dương.

Tổng cộng, Thái Bình Dương đã cho Huyền Như vay 1.500 tỉ đồng, Như đã trả 1.420 tỉ đồng gốc, 50 tỉ đồng tiền lãi và hơn 120 tỉ đồng “phí” chênh lệch lãi suất. Đến nay Như còn chiếm đoạt của Thái Bình Dương 80 tỉ đồng.

Một buổi gặp, huy động 2.500 tỉ đồng!

Sau đó, Như thuê người làm giả con dấu của VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và con dấu của tám công ty khác để tiếp tục các phi vụ lừa đảo hàng ngàn tỉ đồng của các đơn vị, cá nhân khác.

Tháng 5-2011, thông qua một nhân viên ngân hàng khác, biết ba công ty có tiền muốn gửi nên Như đã đề nghị Võ Anh Tuấn (lúc đó là phó giám đốc VietinBank Chi nhánh Nhà bè, bị truy tố cùng tội lừa đảo với Như theo khoản 4 Điều 139 BLHS, mức án đến chung thân) cùng ra Hà Nội để đàm phán. Tại buổi gặp, Như lấy tên là Quyên, tự nhận là nhân viên VietinBank Chi nhánh Nhà Bè, giới thiệu Anh Tuấn là phó giám đốc chi nhánh, đang có nhu cầu huy động vốn. Sau buổi gặp, Như huy động được hơn 2.500 tỉ đồng của ba pháp nhân: Công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên với thỏa thuận mức lãi tiền gửi là 18%-22%/năm, tùy vào số tiền và thời hạn gửi.

Sau khi tiền của các công ty này được chuyển vào tài khoản của họ tại VietinBank Chi nhánh TP.HCM, Như đã làm giả 127 lệnh chi, chữ ký của các giám đốc công ty để rút tiền đem trả nợ cho những người Như đã vay trước đó. Đến nay Như còn chiếm đoạt gần 1.600 tỉ đồng.

Hôm nay tòa tiếp tục phần xét hỏi.

Miếng mồi lãi suất quá hấp dẫn

Tòa hỏi khi huy động vốn của các công ty, bị cáo có nghĩ rằng mình có khả năng trả nợ? Như trả lời lúc đó chỉ muốn có tiền để trả cho các khoản vay trước đó để giảm lãi suất vay xuống, vì lãi suất huy động của các công ty thấp hơn lãi suất huy động của các cá nhân.

Tòa hỏi làm sao có thể khiến các công ty trên tin tưởng chuyển tiền cho ngân hàng. Như nói mình đề nghị các công ty mở tài khoản tại VietinBank thỏa thuận là các công ty chuyển tiền vào tài khoản đó, VietinBank sẽ tự trích tiền trong tài khoản để gửi tiết kiệm cho ba công ty theo hợp đồng. Thực tế là bị cáo trích tiền từ tài khoản của các công ty trên để trả nợ cho mình.

Bị cáo nói với các công ty, cá nhân khác bị cáo cũng thực hiện thủ đoạn tương tự. Ai cũng tưởng VietinBank đã trích tiền từ tài khoản của mình sang tài khoản tiền gửi nhưng thực tế Như đã giả chữ ký, làm giả con dấu của các công ty, cá nhân trên, chuyển tiền từ tài khoản của họ để trả đống nợ khổng lồ mà Huyền Như đang vay tín dụng đen.

Tòa hỏi: “Bị cáo có cách nói thế nào mà nhiều người tin tưởng giao tiền cho bị cáo như thế?”. Như đáp: “Bị cáo chỉ nói bình thường thôi, tự người ta tin. Với lại, chắc do lãi suất hấp dẫn”. Như khai tại thời điểm ngân hàng quy định mức lãi suất huy động tối đa không quá 14%/năm thì Như sẵn sàng trả thêm lãi suất chênh lệch (trả tiền mặt ngay khi gửi tiền) 5%-7%/năm!

Có người đánh tiếng lo cho Huyền Như bỏ trốn

Tại tòa, HĐXX hỏi bị cáo Huyền Như có ý định bỏ trốn hay không, Như trả lời bị cáo không có ý định đó. Như nói thêm có người đánh tiếng lo trọn gói cho gia đình bị cáo trốn ra nước ngoài với giá 18 tỉ đồng nhưng bị cáo khước từ. Do nội dung này không liên quan đến vụ án nên không thấy tòa truy ai là người có ý định muốn giúp Như bỏ trốn.

Cùng ra tòa có bị cáo Hoàng Hương Giang (nguyên giao dịch viên VietinBank Phòng giao dịch Điện Biên Phủ, đang tại ngoại), bị truy tố về tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo khoản 3 Điều 179 BLHS (mức án đến 20 năm tù). Giang trong khi thực hiện nghiệp vụ, do nể nang, tin Như là lãnh đạo nên bỏ qua các quy định về cho vay để Như chiếm đoạt số tiền khủng như đã nêu. Bị cáo này xin vắng mặt trong phiên tòa vì con nhỏ bị sốt nặng. Tuy vắng mặt nhưng bị cáo này có luật sư bào chữa nên HĐXX chấp thuận đơn xin vắng mặt của bị cáo Giang.

   

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm