Thủy điện trên sông Mekong làm 60 triệu dân ảnh hưởng

Ngày 20-3 tại TP Cần Thơ, Tổ chức Sông ngòi quốc tế (IR), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Liên minh Cứu sông Mekong (StM)  và Diễn đàn Môi trường Mekong (MEF) cùng phối hợp tổ chức Diễn đàn Mekong.

Diễn đàn có chủ đề “Lưu vực Mekong trước thách thức bảo vệ người dân và hệ sinh thái trong bối cảnh nhiều biến động”.

Đại diện cộng đồng người dân sống ở lưu vực sông Mekong chia sẻ về những trăn trở khi các dự án thủy điện đã ảnh hưởng đến sinh kế của họ bên dòng Mekong. Ảnh: CTV

Hiện trên dòng Mekong có bảy công trình đập dòng chính đã hoàn thành trên phía thượng nguồn Trung Quốc, 11 con đập đang và sẽ xây dựng ở hạ lưu sông Mekong tại Lào và Campuchia.

Theo các chuyên gia, các đập thủy điện này sẽ gây ra những tổn thất nghiêm trọng đối với nguồn phù sa, thủy sản, chất lượng nước, đa dạng sinh học của dòng sông, ảnh hưởng đến sinh kế của hơn 60 triệu người dân.

Theo ông Naruepon Sukumasavin (Ban thư ký Ủy ban sông Mekong Quốc tế), sự suy giảm phù sa và chất dinh dưỡng về phía hạ lưu do ảnh hưởng của các dự án thủy điện sẽ làm giảm độ màu mỡ của đất, từ đó dẫn đến giảm sản lượng lúa gạo cũng như sản lượng cá. Các vùng có nguy cơ gồm vùng ngập lụt Tonle Sap ở Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam.

Theo nghiên cứu của ông Naruepon Sukumasavin, năm 2007 có 97% lượng phù sa của dòng Mekong bồi lắng ở ĐBSCL thì đến năm 2020 chỉ còn 30% và năm 2040 chỉ còn 4% do bị các đập giữ lại. Sản lượng đánh bắt cá ở hành lang sông Mekong sẽ giảm khoảng 1,57 tỉ USD.

Ngoài vấn đề sụt giảm phù sa, ảnh hưởng sản xuất và nuôi trồng thủy sản thì các dự án thủy điện còn làm gia tăng nguy cơ xói lở bờ sông và lòng sông, đặc biệt ở ĐBSCL. Các dự án phát triển thủy điện cũng gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực và đói nghèo, giảm thu nhập của người dân.

Ông Som Kiat Knunsangsa một người dân đến từ tỉnh Chiang Rai (miền Bắc Thái Lan) cho biết đập thủy điện được xây dựng đã tác động lớn đến thiên nhiên và sinh kế người dân khu vực Bắc Thái Lan. Một số loài cây không còn sinh trưởng được, số lượng loài cá giảm sút rất nhiều, từ chỗ có hàng ngàn thuyền đánh cá của người dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản nay chỉ còn khoảng 300 chiếc, một viễn cảnh tương lai mà người dân chưa bao giờ nghĩ tới.

Một người dân khác đến từ vùng Biển Hồ (Tonle Sap) Campuchia thì cho rằng từ khi có đập thủy điện, một số loài đã biến mất khỏi hệ sinh thái của hồ Tonle Sap.

"Lượng cá không còn nhiều vào mùa hè. Mực nước hồ cạn, khó tưới tiêu, thiếu phù sa buộc người dân phải tăng cường dùng phân bón hóa học, nhiều người không làm nông nghiệp nữa… Cuộc sống hàng triệu người dân vùng Biển Hồ sẽ ra sao trong tương lai?" - Câu hỏi khiến nhiều người trăn trở tại diễn đàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm