Thủy điện sông tranh 2: Lý giải của Ban QLDA chưa thuyết phục

Ban QLDA thủy điện 3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đơn vị chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) khẳng định: Những điểm rỉ nước tại bề mặt thân đập là bình thường, đập vẫn an toàn... Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học, chính quyền địa phương và hàng chục ngàn hộ dân Bắc Trà My vẫn không an tâm.

Chưa biết khi nào hết rỉ

Hiện nước vẫn chảy từ thân đập qua các “vết nứt”.

Ông Nguyễn Đăng Hiếu, Chỉ huy trưởng thi công công trình thủy điện Sông Tranh 2, giải thích: “Do khu vực hành lang thu nước đang trong giai đoạn hoàn thiện nên chưa gom được lượng nước thẩm thấu qua thân đập. Việc nước rỉ qua khe nhiệt là chấp nhận được. Chúng tôi sẽ tiến hành thu gom nó về một điểm. Con đập không cần phải sửa chữa hay gia cố lại mà chỉ cần đưa hành lang thu nước vào hoạt động sẽ giảm thiểu sự thẩm thấu nước qua thân đập”.

Trong công văn khẩn gửi UBND tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Bắc Trà My, ông Trần Văn Hải - Trưởng ban QLDA thủy điện 3 cho biết: Các dòng thấm chảy ra phía hạ lưu đập hoàn toàn không ảnh hưởng đến độ an toàn, ổn định của đập.

Thủy điện sông tranh 2: Lý giải của Ban QLDA chưa thuyết phục ảnh 1

Các công nhân khắc phục điểm rò rỉ nước trên thân đập. Ảnh: LÊ PHI

Trao đổi, ông Hải nói: “Chúng tôi khẳng định đó không phải là các vết nứt mà là các khe nhiệt rò rỉ nước, hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Chúng tôi sẽ khắc phục các điểm rò rỉ nước hiệu quả, phù hợp nhất và không bắt buộc phải xong ngay, không có thời gian cụ thể. Việc siêu âm đập là không cần thiết vì chẳng có gì để mà siêu âm cả. Chúng tôi khẳng định là đập vẫn an toàn. Người dân lo sợ vì họ không hiểu biết…”.

Sớm xử lý để dân yên tâm

Tuy nhiên, lý giải của những người có trách nhiệm của thủy điện chưa được người dân và các nhà khoa học đồng tình.

TS Đào Trọng Tứ, Ủy viên Thường trực Hội Tưới tiêu VN, người từng khảo sát nhiều công trình thủy điện lớn, nói: Giải thích của Ban QLDA về các vết nứt do khe nhiệt là chưa thuyết phục. Không chỉ thủy điện, các công trình sử dụng bê tông nào cũng có khe nhiệt, sự co giãn của nó phải phù hợp với thiết kế công trình, thông số kỹ thuật và có những biện pháp làm kín khe nhiệt bằng các vật liệu phụ đạt chuẩn. Khi có hiện tượng rò rỉ nước cần phải xứ lý ngay vì khe nhiệt không thể cho nước chảy qua. Đơn vị thi công cần xem xét cẩn thận mức độ an toàn và nguy cơ tác động của hiện tượng bất thường này. Các bên liên quan cần khảo sát, đánh giá lại toàn bộ thiết kế, thi công. Lựa chọn phương án khắc phục khả thi. Đập thủy điện mà bị vỡ, hậu quả cực kỳ nghiêm trọng…

Ông Đoàn Minh Quang, Công ty Thủy lợi 4, đơn vị trực tiếp đảm nhận lắp ráp khuôn đổ bê tông cho đập (từng thi công các đập thủy điện Trị An, ĐaMi), nói: “Hầu hết các thủy điện hiện tại thì ở phần bề mặt trong lòng hồ của đập phải được thi công bằng bê tông tươi vì nó giàu xi măng, có thể đảm nhận được việc chống thấm nước, nứt bề mặt, các khuyết điểm… Nhưng ở bờ đập thủy điện Sông Tranh 2 xây dựng rất tiết kiệm, sử dụng công nghệ đầm lăn, nghèo xi măng nên rất dễ xảy ra các khuyết điểm nứt, rò rỉ nước. Lịch sử ngành bê tông chỉ gần 115 năm và chưa một thủy điện nào sử dụng đập quá 60 năm mà không làm lại. Làm không tốt có thể hỏng bất cứ lúc nào”.

Theo ông Phan Văn Chức, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam, Sở đang chờ sự chỉ đạo của UBND tỉnh để lập đoàn đi khảo sát thực tế. “Việc quan sát vết vứt, rò rỉ nước cần phải có thời gian và nghiên cứu, xem xét kỹ. Cần thiết, có thể mời cả đoàn nghiên cứu, các chuyên gia đến xem xét vết nứt rồi tìm các biện pháp khắc phục” - ông Chức nói.

Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, lo lắng: “Các vết nứt rò rỉ nước chỉ mới xảy ra chứ trước đây không thấy. Cao trình của UBND huyện là 105 m (cao nhất khu vực trung tâm Bắc Trà My) nhưng hồ thủy điện Sông Tranh 2 lại nằm ở cao trình hơn 175 m. Đập đang chứa 730 triệu m3 nước nên người dân rất lo. Nếu vỡ đập, nước sẽ quét sạch toàn huyện và các huyện thị lân cận ra biển Đông, chẳng có cách trời nào mà chạy cho thoát. Vì vậy, Công ty Điện lực 3 cần sớm xử lý để người dân yên tâm”.

Về nguyên tắc kỹ thuật, không được phép để nước thấm chảy qua đập. Đã là đập phải ngăn được nước từ thượng lưu xuống hạ du và ngăn dòng thấm xuyên qua vật liệu dù đó là bê tông đầm lăn hay bê tông thường hoặc bằng đất, đá cũng vậy. Nếu đập để nước chảy qua, dòng thấm sẽ gây ra xoáy ngầm làm suy giảm chất lượng của đập. Theo thời gian có thể sẽ gây ra hậu quả xấu.

GS-TSKH PHẠM HỒNG GIANG, Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam

Qua khảo sát cho thấy công trình có dấu hiệu bất thường. Về nguyên tắc, những khe nhiệt không thể có nước chảy qua mà ở đó có những van bằng đồng dùng để chắn nước thấm vào khe nhiệt.

GS-TS NGUYỄN THế HÙNG, ĐH Bách khoa Đà Nẵng

Công trình thủy điện này nằm trong khu vực có đới đứt gãy, có khả năng xảy ra động đất. Khi hồ thủy điện tích nước, tải trọng nước hồ làm tăng áp suất nước lỗ rỗng trong các đới dập vỡ và làm giảm độ bền cắt của các đất đá trong đới. Điều này có thể là nguyên nhân dẫn đến vết nứt nếu như các đơn vị thi công không có những phương án bảo đảm an toàn.

TS LÊ HUY MINH, Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu

LÊ PHI - TẤN TÀI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm