Thường vụ QH băn khoăn về việc có nhiều bộ sách giáo khoa

Dẫn quy định Bộ GD&ĐT thực hiện biên soạn một bộ SGK, bộ sách này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ sách do các tổ chức, cá nhân biên soạn sẽ gây ra nhiều phức tạp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Quy định như vậy thì phức tạp quá”.

“Làm sao cha mẹ học sinh nói nên chọn sách nào. Rồi lại có xu hướng “chạy” để bộ sách của mình được sử dụng ở trường này, tỉnh nọ. Có lãng phí không khi Nhà nước bỏ tiền cho Bộ GD&ĐT biên soạn?” - Chủ tịch QH băn khoăn.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng băn khoăn về việc luật không quy định cụ thể trách nhiệm, vai trò của Bộ GD&ĐT trong việc sử dụng SGK mà chỉ nói mỗi môn học có một hoặc nhiều bộ SGK.

“Tôi đề nghị có một bộ sách chung, thống nhất của quốc gia. Còn có những bộ sách tham khảo về môn học đó thì có nhiều người tham gia biên soạn” - ông Lưu nói và cho rằng khi tham gia bộ sách chính thống thì không chỉ có chuyên gia Bộ GD&ĐT mà mời chuyên gia, nhà khoa học bên ngoài. Xã hội hóa theo kiểu như vậy.

Lý giải sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng Nghị quyết 29 của trung ương về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT có nhiều thay đổi trong cách học và cách dạy, chuyển từ giảng dạy kiến thức qua đánh giá và đào tạo năng lực cho học sinh. Điều này tác động đến phương thức giảng dạy phổ thông, theo đó quan trọng nhất, chương trình giáo dục phổ thông là “pháp lệnh”.

“SGK là công cụ, tài liệu giảng dạy chứ không phải là duy nhất. Cái quan trọng hơn là chương trình giáo dục phổ thông. Có thể trên một kiến thức nhưng nhiều nguồn, có thể không sử dụng SGK nếu các em sử dụng mạng Internet để có kiến thức đó” - ông Bình phân tích.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này rất khác. Lần trước đổi mới từ SGK, SGK là cơ sở pháp lý để tất cả công việc phải đi theo, còn lần này phát triển phẩm chất, năng lực. Quá trình chuẩn bị, biên soạn SGK rất chi tiết, huy động các nhà khoa học, nhà giáo, khác hẳn phát hành sách thông thường. Bộ khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn nhưng phải bám vào chương trình, quy trình thủ tục biên soạn theo thông tư hướng dẫn của Bộ.

Cũng theo ông Nhạ, khi có bản thảo, Hội đồng Thẩm định Quốc gia thẩm định đảm bảo công bằng giữa các bộ sách và có điều kiện tiêu chuẩn người viết SGK chứ không phải ai cũng biên soạn được. Sau khi thẩm định, bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký ban hành chứ không phải viết xong là phát hành.

“Dù ai biên soạn SGK cũng do hội đồng quốc gia thẩm định, bộ trưởng phê duyệt có cho sử dụng hay không và bộ trưởng GD&ĐT phải chịu trách nhiệm” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm