Thực trạng ngổn ngang của xe buýt TP.HCM

Xe buýt không hấp dẫn hành khách có nguyên nhân do xe buýt thường gây tai nạn, ô nhiễm môi trường, tài xế, tiếp viên còn thô lỗ với khách... Đó cũng là những ấn tượng không đẹp của nhiều người dân về xe buýt hiện nay.

Sáng 4-4, Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức buổi đối thoại “Nói và làm” về chủ đề “Vận tải hành khách công cộng - Thực trạng và giải pháp”. Nhiều ý kiến cho rằng công tác vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP vẫn còn nhiều bất cập trong khi giải pháp lại chưa đồng bộ…

Xe cũ, tài xế thiếu

Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, cho biết hiện TP có 148 tuyến xe buýt. Trong số 3.096 xe buýt đang hoạt động, có tới khoảng 1.700-1.800 xe cần thay thế vì không đáp ứng các điều kiện thân thiện với môi trường như khí thải vượt tiêu chuẩn cho phép. Hiện cũng có tình trạng nhiều tài xế xe buýt xin nghỉ việc do điều kiện làm việc khắc nghiệt, áp lực thời gian mà các HTX xe buýt đặt ra khiến nhiều tài xế xe buýt phải “đua” để kịp thời gian quay vòng, tạo tâm lý ức chế cho các tài xế.

“Trước đây, tài xế chỉ cần biết chữ là được cấp giấy phép lái xe (GPLX) mà không đặt ra tiêu chuẩn về học lực. Tuy nhiên, cách đây hai năm, Bộ GTVT có quy chuẩn mới, tài xế phải tốt nghiệp cấp II trở lên mới được cấp mới, đổi, lên dấu GPLX. Các tài xế già, có nhiều năm kinh nghiệm… nay muốn đổi, lên dấu E của GPLX để có thể chạy xe trên 30 chỗ ngồi lại không được Sở GTVT cấp bằng vì thiếu bằng cấp II. Do không đổi được bằng E (để chạy xe buýt lớn) nên lực lượng tài xế xe buýt đã thiếu lại càng thiếu nghiêm trọng. Thấy bất cập này, Sở GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT cho phép đối với các trường hợp tuy thiếu bằng cấp II nhưng có thâm niên chạy xe tốt, lái xe an toàn thì vẫn được cấp mới, đổi, lên bằng GPLX… để bù đắp vào lực lượng thiếu hụt này” - ông Thanh nói.

Thực trạng ngổn ngang của xe buýt TP.HCM ảnh 1

Xe buýt xả khói gây ô nhiễm môi trường, phóng nhanh vượt ẩu, gây tai nạn, thái độ phục vụ chưa tốt… là những nguyên nhân khiến người dân chưa mặn mà để “nào ta cùng buýt”. Ảnh: MINH PHONG

Làm đường riêng cho xe buýt

Theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, nguyên nhân gây tai nạn giao thông (TNGT) của xe buýt có 25% do chủ quan (phóng nhanh vượt ẩu, không quan sát khi hoạt động, đón trả khách không đúng trạm...). Còn lại 75% do khách quan như xe máy không làm chủ tốc độ tông vào xe buýt, xe máy gây tai nạn với phương tiện khác sau đó va quẹt vào xe buýt... “Đường TP thì đông, giờ cao điểm thì đâu cũng tắc, bao quanh xe buýt là một rừng xe máy, tài xế dù giỏi đến mấy mà không va quẹt mới lạ” - một tài xế xe buýt cho biết.

Bàn về giải pháp hạn chế TNGT từ xe buýt, nhiều ý kiến cho rằng cần xử phạt nghiêm các trường hợp xe buýt vi phạm, tiếp tục giáo dục các tài xế xe buýt, tăng cường tuyên truyền về xe buýt và phổ biến pháp luật cho người tham gia giao thông, đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông... Hiện Sở GTVT đã tiến hành áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động vận tải công cộng như thiết bị định vị GPS, quản lý hệ thống theo GIS.

Ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải công nghiệp (Sở GTVT), cũng cho biết TP đang hướng đến tách công việc tài xế ra khỏi gánh nặng tài chính để giúp tài xế chuyên tâm chạy xe nhằm an toàn hơn cho hành khách.

Một trong những giải pháp được nhiều người kỳ vọng giúp xe buýt không còn là hung thần đường phố đó là xây dựng tuyến đường dành riêng cho xe buýt. Thực tế thì TP.HCM đã có hai tuyến đường xe buýt riêng hoạt động khá hiệu quả mấy năm nay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hiện mạng lưới giao thông đô thị TP còn chật hẹp, nếu dành riêng một làn đường cho tuyến buýt thì các xe còn lại sẽ bị dồn cục, gây tắc nghẽn...

Theo bà Phạm Phương Thảo - Chủ tịch HĐND TP, phát triển mạng lưới tuyến đường xe buýt riêng là một biện pháp thích hợp nhất cho môi trường giao thông TP; dành riêng một hành lang là biện pháp giúp cho loại phương tiện này lưu thông nhanh hơn, an toàn hơn.

Mục tiêu 3 triệu lượt khách/ngày

Mục tiêu của TP là phấn đấu tới năm 2015 sẽ có 14% người dân đi xe buýt với lưu lượng vận chuyển 3 triệu lượt khách/ngày. Các giải pháp cần phải đồng bộ để đạt được những mục tiêu này. Vì vậy, cần có tuyến đường dành riêng cho xe buýt, kèm theo đó là tăng khả năng phục vụ của xe buýt cho cả cộng đồng.

Phải thường xuyên tập huấn đạo đức người lái xe cho tài xế, tiếp viên xe buýt. Sở GTVT phải nghiên cứu để giảm thấp nhất sự trùng lặp các tuyến xe buýt vì thống kê cho thấy có trạm tới 41 tuyến xe đi qua, gây lãng phí rất lớn. Song song đó phải nâng cao chất lượng dịch vụ, nhân rộng mô hình bán vé xe buýt thông minh…

PHẠM PHƯƠNG THẢO, Chủ tịch HĐND TP.HCM

VĨNH YÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm