Thực phẩm bẩn trục lợi trên sức khỏe của toàn dân

“Không ít người hoặc do thiếu hiểu biết hoặc chạy theo lợi nhuận mà bất chấp hậu quả đối với sức khỏe và an toàn của cộng đồng, vô cảm, thậm chí tàn ác khi trục lợi trên sự sống, chết của đồng bào mình” - bà Nga nói.

Nêu bật những nguy hại của thực phẩm bẩn, mất an toàn, bà Nga nhận định tình trạng mất an toàn thực phẩm đã đến mức báo động, gây hậu quả trước mắt cũng như lâu dài. Đó cũng chính là nguyên nhân gây ra bệnh tật, suy giảm sức khỏe giống nòi, giảm sức cạnh tranh nền kinh tế, làm mất hình ảnh quốc gia. “Vấn nạn thực phẩm bẩn đã đẩy người dân vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy” - bà Nga nói.

ĐBQH Lê Thị Nga.

Phân tích sâu hơn, bà Nga chỉ rõ những nguyên nhân từ kinh tế cho đến chính sách quản lý đối với vấn nạn này. Cụ thể, về mặt kinh tế theo bà Nga thì không ít cá nhân, tổ chức  sản xuất, kinh doanh do chạy theo lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe, tính mạng của người khác. Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý buông xuôi, chưa kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn. Thậm chí, nhiều người  không có điều kiện để lựa chọn thực phẩm an toàn cho mình.

“Nếu chúng ta không ngăn chặn được vấn nạn thực phẩm bẩn thì không thể đảm bảo quyền tiếp cận thực phẩm sạch của người dân. Từ chỗ không có một nền nông nghiệp sạch, chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà trước các sản phẩm sạch ngoại nhập” - bà Nga nhấn mạnh.

Về mặt chính sách pháp luật và quản lý, bà Nga cho rằng vẫn còn lỏng lẻo, chưa kiên quyết đối với vấn nạn thực phẩm bẩn. Cụ thể pháp lý trong lĩnh vực này đã đầy đủ nhưng vi phạm vẫn ngày càng nhiều, nguyên nhân bao trùm là việc tổ chức thực thi luật còn nhiều yếu kém. Chế tài xử phạt không nghiêm, hiếm có trường hợp xử lý hình sự.

Về quản lý nhà nước, nhiều bộ ngành, nhiều cấp không thực thi đầy đủ nhiệm vụ, buông lỏng quản lý, cá biệt có trường hợp tiếp tay, làm ngơ cho sai phạm nhưng lại không bị phát hiện, xử lý.

Theo bà Nga, sự chia cắt và thiếu phối hợp trong quản lý dẫn đến khi có vụ việc xảy ra, ai cũng khẳng định mình làm đúng quy trình và cuối cùng không quy được trách nhiệm. “Đơn cử, Salbutamol - chất có tác hại lớn đối với con người khi dùng làm thức ăn chăn nuôi nhưng lại có tác dụng sản xuất thuốc chữa bệnh, bị Bộ NN&PTNT cấm nhập nhưng được Bộ Y tế cho phép nhập. Với số lượng nhập lớn là hơn 9 tấn trong hai năm, sau khi vào được nội địa, cơ quan chức năng đã không kiểm soát được đường đi của chất này, hiện chưa ai trả lời được: có bao nhiêu tấn được dùng vào sản xuất thuốc, có bao nhiêu bị sử dụng sai mục đích, tuồn ra thị trường làm chất tạo nạc” - bà Nga nêu ví dụ.

Bà Nga cũng đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các Bộ Y tế, Nông nghiệp, Công Thương và Công an làm rõ để trả lời công luận và báo cáo Quốc hội về những vấn đề đã được nêu trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm