Thừa Thiên - Huế xin những cơ chế đặc thù gì?

Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc Hội (TCNS) đã có báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù cho Thừa Thiên-Huế.  

Mỗi năm cần 1.000 tỉ chi cho di tích

Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, theo quy định của pháp luật, các khoản thu phí tham quan phải được tổng hợp chung vào cân đối NSNN sau khi đã trừ chi phí được trích lại để trang trải hoạt động cung cấp dịch vụ và chi theo quy định pháp luật về ngân sách, đầu tư.

Cố đô Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: NGUYỄN DO.

Tuy nhiên, theo Tờ trình, hiện nay nhu cầu vốn cho công tác bảo tồn, trùng tu di tích cố đô Huế khá lớn, khoảng 1.000 tỉ đồng/năm. Nếu được để lại 100% nguồn thu từ phí tham quan thì địa phương sẽ có thêm khoảng 260 tỉ đồng/năm.

Do vậy, để góp phần tăng cường nguồn lực cho địa phương, đẩy nhanh công tác trùng tu, bảo tồn di tích, giảm thiểu mức độ xuống cấp của các di tích quốc gia, Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí với đề xuất của Chính phủ.

ý kiến cho rằng, đây là cơ chế đặc thù cho tỉnh Thừa Thiên Huế, do đó đề nghị cho phép để lại 100% số thu từ nguồn thu phí tham quan để thực hiện công tác bảo tồn, trùng tu di tích Cố đô Huế nhưng không dùng để xác định tỷ lệ điều tiết, số bổ sung cân đối cho NSĐP.

Có ý kiến đề nghị tăng mức thu phí tham quan để góp phần tăng cường nguồn lực cho địa phương trong việc bảo tồn, trùng tu di tích.

Được sử dụng ngân sách các tỉnh thành khác

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế hình thành Quỹ bảo tồn di sản Huế từ nguồn NSNN, các nguồn tài trợ, nguồn thu hợp pháp và cho phép các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương được sử dụng ngân sách do cấp mình quản lý để hỗ trợ Huế đầu tư thực hiện công tác trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản và giao Chính phủ ban hành Nghị định để quản lý, sử dụng Quỹ này.

Huế đang xin các cơ chế đặc thù về nguồn thu phí tham quan và Quỹ bảo tồn di sản. Ảnh: NGUYỄN DO.

Theo Thường trực Ủy ban TCNS thì quy định hiện hành thì các địa phương khác không được hỗ trợ cho Thừa Thiên Huế đầu tư thực hiện công tác trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế.

Tuy nhiên, để góp phần huy động nguồn lực đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư, trùng tu quần thể di sản văn hóa Huế, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với đề xuất thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế và đề nghị quy định rõ trong Nghị quyết: Quỹ bảo tồn di sản Huế chỉ dùng để đầu tư thực hiện công tác trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế. Chỉ đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được NSNN đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ. Giao Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng Quỹ này.

Có ý kiến cho rằng, đây là cơ chế khác biệt so với các địa phương khác, tương ứng với đặc thù của tỉnh.

Tuy nhiên, nội dung tại Điều 4 của Dự thảo Nghị quyết về Quỹ bảo tồn di sản Huế là chưa rõ ràng. Để có căn cứ xem xét, cho ý kiến, đề nghị Chính phủ làm rõ mô hình, tính chất, cơ chế sử dụng của Quỹ bảo tồn di sản Huế. Theo Tờ trình thì ngoài việc sử dụng trùng tu các công trình, di sản do Nhà nước quản lý trực tiếp thì Quỹ còn được dùng để cải tạo các di sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức cộng đồng như miếu, nhà rường…

Đề nghị cân nhắc tính hợp lý khi sử dụng NSNN để cải tạo, nâng cấp các công trình của tư nhân; quy định rõ ràng về cơ chế sử dụng, nguyên tắc phân bổ; bảo đảm chặt chẽ trong công tác quản lý. 

Bên cạnh đó có ý kiến đề nghị không thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế.  Vì theo Báo cáo của Đoàn giám sát của UBTVQH về các Quỹ tài chính ngoài ngân sách thì: “có trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội khi xem xét, ban ban hành các Luật chuyên ngành đã quy định cho phép thành lập nhiều Quỹ tài chính ngoài ngân sách". Đồng thời, Tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ tính độc lập về nguồn lực, khả năng huy động và tính trùng lắp với các nhiệm vụ chi từ nguồn phí được để lại và nguồn từ NSNN.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí với đề xuất cho Thừa Thiên Huế quy định nâng mức dư nợ vay của tỉnh lên mức không vượt quá 40% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp và tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh do Quốc hội quyết định hằng năm.

Cơ bản nhất trí "Ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh...” vì chính sách này hiện đang áp dụng đối với TP.HCM, Thanh Hoá. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm