Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi vào ngày cao điểm mưa lớn

Sáng 5-11, tại cuộc họp giao ban triển khai công tác ứng phó với bão số 10, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết khi vào gần bờ, khả năng cao bão số 10 sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Dự báo đường đi của bão số 10. Ảnh: KTTVQG

Ông Lâm cho biết lúc 7 giờ sáng nay, bão số 10 có cường độ cấp 8, giật cấp 10 cách bờ biển Quảng Ngãi đến Phú Yên khoảng 280 km về phía đông. Dự báo trong các giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây nam với tốc độ 10 km/giờ.

"Do ảnh hưởng của bão số 10, vùng ven biển sẽ có mưa lớn, gió giật cấp 8 kèm giông lốc. Hôm nay sẽ là cao điểm mưa, trọng tâm mưa ở Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi. Sau đó mưa lan xuống Phú Yên, Bắc Tây Nguyên. Đến cuối tuần bão tan, mưa vẫn diễn ra ở Quảng Bình - Đà Nẵng" - ông Lâm nói.

Về cơn bão mới đang ở ngoài Biển Đông, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia nhận định nhiều khả năng đi vào Biển Đông sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, hiện nay vẫn còn 19 tàu/90 lao động nằm trong khu vực nguy hiểm, đây là các tàu hoạt động ở ven bờ, đi về trong ngày.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn, Bộ tham mưu, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho biết hầu hết các phương tiện đến nay vẫn giữ được liên lạc với Biên phòng.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn, Bộ tham mưu, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: THANH VÂN

"Những người này cho biết tình hình sóng gió vẫn bình thường, vẫn khai thác được và đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, theo dự báo vẫn nằm trong nguy hiểm nên chúng tôi đã cho cán bộ đồn xuống phối hợp địa phương đến gia đình vận động tuyên truyền, yêu cầu ký cam kết nếu có sự cố xảy ra thì Nhà nước không hỗ trợ chi phí để cứu hộ cứu nạn" - ông Hưng nói.

Đặc biệt vừa rồi ở Quảng Ngãi, lực lượng Biên phòng cũng xử phạt hành chính một trường hợp tàu ở Quảng Ngãi không hợp tác với lực lượng biên phòng với mức xử phạt 30 triệu đồng.

Trước đó, trong đợt bão số 6 xảy ra vào tháng 10 vừa qua, tàu QNg 90741 TS ở Quảng Ngãi không vào đất liền theo kêu gọi của Bộ đội Biên phòng. Khi xảy ra sự cố, tàu chết máy, chủ tàu gọi cứu hộ cứu nạn nhưng khi hai tàu cảnh sát biển ra tới nơi để cứu hộ, gọi hàng chục cuộc điện thoại nhưng chủ tàu lại không bắt máy, lực lượng cứu hộ phải trở về.

Hiện, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa đã rà soát, chuẩn bị công tác sơ tán dân trước giờ bão đổ bộ. Tổng số dân dự kiến sơ tán là hơn 28.000 người, trong đó đã thực hiện sơ tán hơn 8.000 người.

Cụ thể, Quảng Ngãi dự kiến sơ tán hơn 3.800 người, đã sơ tán được 4.500 người ở các khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Tỉnh Bình Định dự kiến sơ tán hơn 4.200 người. Tỉnh Phú Yên dự kiến sơ tán hơn 12.200 người, đã sơ tán được gần 3.000 người tại các khu vực nguy hiểm ven biển. Tỉnh Khánh Hòa dự kiến sơ tán gần 8.000 người, đã sơ tán được 683 người tại các khu vực có nguy cơ sạt lở thuộc huyện Vạn Ninh.

Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, nhấn mạnh: Đối với tình hình tàu thuyền bà con chấp hành chưa nghiêm, khi xảy ra sự cố thì việc cứu hộ cực kỳ vất vả, tốn kém, nguy hiểm cho cả lực lượng cứu hộ, do đó cần biện pháp cương quyết.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: THANH VÂN

"Đề nghị lực lượng Thủy sản, Biên phòng, chính quyền địa phương mời các tàu về kiểm điểm trước tập thể nhân dân, xử phạt hành chính, nếu không lợi ích một chút thôi nhưng gây ra nguy hiểm rất lớn" - ông Tiến nhấn mạnh.

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 35/CĐ-TW ngày 02-11-2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN về chủ động ứng phó bão số 10.

Các bộ, ngành, địa phương liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa lũ, ban hành kịp thời các bản tin cảnh báo, dự báo sát với diễn biến thực tế nhất những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất…

Đồng thời sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời triển khai công tác ứng phó và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống; vận hành, bảo đảm an toàn công trình và hạ du các hồ đập thủy lợi, thủy điện…

Cùng với triển khai công tác ứng phó bão số 10, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu tiếp tục công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 9 và mưa lũ sau bão.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm