Thủ tướng yêu cầu xem xét điều chỉnh quy định tuổi hưu

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2017 của Bộ LĐ-TB&XH diễn ra ngày 17-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH sớm hoàn thiện thể chế, nhất là các vấn đề liên quan đến Bộ luật Lao động, trong đó có việc xem xét quy định về tuổi nghỉ hưu. “Hiện giờ người Việt Nam tuổi thọ tăng lên 75 rồi nhưng tuổi về hưu ở nữ vẫn 55 tuổi và 60 tuổi với nam có hợp lý không, có lãng phí, “vỡ” quỹ bảo hiểm xã hội không…” - Thủ tướng đặt vấn đề.

Đề xuất tăng tuổi hưu của nam lên 62, nữ 60

Trao đổi với chúng tôi về nội dung này bên hành lang hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết: “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động 2012 đưa ra phương án tăng tuổi nghỉ hưu lên năm năm đối với nữ và hai năm đối với nam”.

Theo ông Diệp, hơn 50 năm qua (1961) đến nay tuổi nghỉ hưu vẫn giữ nguyên là 55 đối với nữ và 60 đối với nam. Bên cạnh đó, tuổi thọ trung bình của người dân ngày càng tăng, khoảng cách tuổi hưu giữa nam và nữ có sự chênh lệch lớn, trong khi các nước trên thế giới đều hướng tới tăng tuổi nghỉ hưu. Đặc biệt, Tổ chức lao động Quốc tế (ILO), Ngân hàng Thế giới cũng khuyến cáo Việt Nam cần có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội dài hạn.

Theo ông Diệp, việc tăng tuổi nghỉ hưu có nhiều phương án. Theo dự thảo luật lao động sửa đổi tới đây, mỗi năm tăng sáu tháng đến khi nam đạt 62 tuổi, nữ đạt 60 tuổi sẽ ngừng. Về lâu dài, ông Diệp cho hay sẽ tăng dần cả nam và nữ lên tuổi 65. “Nhưng cũng có một phương án nữa là mỗi năm tuổi nghỉ hưu của nam và nữ chỉ tăng ba tháng. Lý do, nếu tăng nhanh gây ra cú sốc cho thị trường lao động” - ông Diệp thông tin.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đang trả lời báo chí về vấn đề tăng tuổi hưu. Ảnh: VIẾT LONG

Không tăng tuổi hưu cho tất cả ngành nghề

Trước ý kiến lực lượng lao động trẻ có trình độ thất nghiệp cao, việc tăng tuổi hưu sẽ làm mất cơ hội của họ, ông Diệp cho rằng cần nhìn vào bối cảnh dân số Việt Nam đang già hóa.

“Trước đây, mỗi năm có 1,5-1,7 triệu người tham gia lực lượng lao động nhưng hiện nay con số chỉ còn 800.000-900.000 người. Như vậy, tốc độ già hóa dân số tăng cao, số người ra khỏi lực lượng lao động xấp xỉ bằng số người bước vào độ tuổi lao động. Tôi cũng xin nhắc lại đây là điều chỉnh lâu dài chứ không phải thực hiện ngay lập tức…” - ông Diệp giải thích.

Tuy nhiên, ông Diệp khẳng định việc tăng tuổi nghỉ hưu không phải áp dụng cho tất cả ngành nghề. Đối tượng được xem xét tăng đầu tiên là lĩnh vực nghiên cứu, kiểm sát, tòa án. Người lao động khu vực nặng nhọc, độc hại thì nhất quyết chưa tăng.

Các phương án về tăng tuổi hưu đã được đưa ra

Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến dự thảo lần hai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động 2012. Trong đó, đáng chú ý dự thảo lần này là việc Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mốc tăng tuổi nghỉ hưu.

Bộ tiếp tục đưa ra hai phương án. Theo đó, phương án 1, tuổi nghỉ hưu giữ như hiện hành, nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi.

Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Từ ngày 1-1-2021 cứ mỗi năm tăng thêm sáu tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Nếu người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc, nghề nghiệp đặc thù có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định.

Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá năm năm so với quy định.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tăng tuổi nghỉ hưu là một nội dung lớn đã từng được đặt ra nhiều lần trong quá trình soạn thảo luật nhưng chưa được Quốc hội thông qua. Lần sửa đổi này tiếp tục có nhiều ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu vì nhiều lý do như tuổi thọ bình quân của người Việt Nam những năm gần đây đã tăng nhiều so với giai đoạn trước đây và khoảng cách giữa tuổi thọ bình quân với tuổi nghỉ hưu bình quân là rất dài.

Thực tiễn nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động, có nhu cầu làm việc thêm và họ vẫn có đủ sức khỏe tham gia lao động tiếp.

Một lý do nữa là dân số Việt Nam đang chuyển từ thời kỳ dân số vàng sang giai đoạn già hóa. Đặc biệt, nếu cứ giữ tuổi nghỉ hưu như hiện tại thì quỹ hưu trí, tử tuất không đảm bảo trong dài hạn...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm