Thủ tướng: VPCP phải tham mưu kịp thời, tránh lợi ích nhóm

Chiều 25-12, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. 

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của văn phòng Chính phủ chiều 25-12. Ảnh: VGP/QUANG HIẾU

Công tác tham mưu vững vàng, tin cậy
“Chính phủ chúng ta phục vụ nhân dân, hướng về nhân dân, hướng về sự phát triển chứ không phải chính phủ quản lý đơn thuần. Chúng ta muốn có uy tín với dân, với hệ thống chính trị thì bộ máy phục vụ, bộ máy làm việc phải tốt, phải có uy tín. Những lần trước tôi đã nói “Thần thiêng là nhờ bộ hạ” nên bộ máy làm việc không ra gì cả thì khó có thể thành công” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng ghi nhận nhiều cán bộ VPCP đã làm ngày làm đêm, 8-9 giờ tối mới về nhà để kịp ra thông báo, báo cáo cho Thủ tướng, phó thủ tướng. Không chỉ cán bộ cấp vụ mà trợ lý, thư ký cũng làm việc rất tốt. 
Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Khác với các nước khác, Chính phủ của ta chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. “Cảm thấy chỗ nào cũng có trách nhiệm. Một chiếc máy bay rơi, một chiếc tàu bị chìm ngoài khơi… đều có liên quan đến trách nhiệm chúng ta” - Thủ tướng nói thêm.
Người đứng đầu Chính phủ cũng ghi nhận những thành tựu to lớn cả nước đạt được trong năm 2020 có sự đóng góp của các thành viên Chính phủ, sự đóng góp quan trọng, thiết thực của VPCP với vai trò cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng.
Đối với công tác thông tin truyền thông, VPCP đã đăng tải gần 30.000 tin bài, 1.700 sản phẩm truyền thông đa phương tiện trên cổng thông tin Chính phủ và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan truyền thông khác.
“Chúng ta không có một lượng thông tin khổng lồ như vậy thì mạng xã hội lấn át hết, nhân dân hoang mang. Tuyên truyền bây giờ rất quan trọng!” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Cạnh đó, Thủ tướng cũng ghi nhận công tác tham mưu, tổng hợp “vững vàng, tin cậy, chủ động và hiệu quả” của VPCP. Điều này giúp Thủ tướng, Chính phủ giải quyết nhiều vấn đề lớn, quan trọng phát sinh, nhất là phòng chống dịch, thiên tai, giải ngân vốn đầu tư công…
“Cái nổi của VPCP trong nhiệm kỳ này, nhất là năm nay, là cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cổng dịch vụ công quốc gia với 2.500 dịch vụ công đã kết nối. Qua đó ngăn cách người tới làm thủ tục và người giải quyết thủ tục, giảm tình trạng tham nhũng vặt đang diễn ra ở một số nơi” - Thủ tướng nói.
Chính phủ điện tử: Tiết kiệm hơn 8.500 tỉ đồng/năm
Thời gian qua, VPCP đã xây dựng và đưa vào vận hành có hiệu quả các hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử gồm: Trục liên thông văn bản quốc gia; hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; cổng dịch vụ công quốc gia; hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng…
Các hệ thống trên được đưa vào vận hành giúp tiết kiệm chi phí xã hội trên 8.500 tỉ đồng/năm. 
Tầm nhìn của cán bộ VPCP phải cao
Lưu ý các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu VPCP kế thừa, phát huy những kết quả đạt được. “Để đảm nhận việc đề xuất, tham mưu, tầm nhìn các đồng chí phải cao hơn cán bộ của các bộ khác” - Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP. Ảnh: VGP

Cạnh đó, VPCP cần làm thật tốt nhiệm vụ xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, Thủ tướng. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, vì muốn làm gì phải có khung, sườn để triển khai. “Tầm nhìn thể hiện ở đây” - Thủ tướng nói. 
Đi liền với đó, VPCP cần không ngừng nâng cao chất lượng tham mưu, tổng hợp trong nghiên cứu, soạn thảo, thẩm tra, trình các văn bản quy phạm pháp luật, chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ trong giai đoạn dự thảo. 
“Đặc biệt là theo dõi sát những vấn đề nóng, nhạy cảm của xã hội, kịp thời đề xuất giải pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp và tham mưu cho đúng đường lối, cương lĩnh, chính sách, pháp luật, tránh lợi ích nhóm, tham nhũng…” - Thủ tướng lưu ý. Thủ tướng cho rằng “sơ suất về tham mưu sẽ dẫn đến những hậu quả rất xấu về chính trị, đường lối của Chính phủ”.
“Cải cách hành chính là nhiệm vụ rất lớn mà VPCP phải lo” - Thủ tướng nói thêm. Thủ tướng cũng nhấn mạnh VPCP cần lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, tiếp nhận, xử lý, trả lời thông tin, các vướng mắc của người dân, doanh nghiệp. 
Cạnh đó, VPCP cần làm tốt công tác truyền thông, lan tỏa hơn nữa khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, VPCP cần chủ động cung cấp thông tin tốt hơn.
Thủ tướng chia sẻ: Là cán bộ đi lên từ địa phương, có 15 năm công tác, sinh hoạt, chia sẻ vui buồn cùng các thế hệ cán bộ, công chức, người lao động VPCP, ông rất đồng cảm, thấu hiểu với những khó khăn, vất vả và áp lực công việc mà các cán bộ VPCP phải thực hiện hằng ngày. 
Cuối bài phát biểu, Thủ tướng mong VPCP tiếp tục đoàn kết, vững mạnh hơn nữa, hoàn thành tốt hơn nữa những nhiệm vụ được giao, trở thành mô hình cơ quan hành chính nhà nước kiểu mẫu, kỷ cương, trách nhiệm, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam của chúng ta.•

Cải cách hành chính đi vào thực chất

Trong năm 2020, VPCP đã trình ban hành chín nghị định về điều kiện kinh doanh, nâng tổng số lên 50 nghị định nhằm hiện thực hóa các phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Kết quả, đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 3.900 điều kiện kinh doanh (63%), gần 6.800 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành (đạt 68%), tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công, tương đương 6.300 tỉ đồng/năm.

VPCP cũng trình ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã tổ chức 33 buổi làm việc, hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, kiến nghị xử lý đối với 442 vấn đề. Tổ công tác của Thủ tướng tổ chức tám cuộc kiểm tra về cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính phủ điện tử tại các bộ, ngành, địa phương và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 22 nội dung để thúc đẩy cải cách. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm