Thủ tướng: Tất cả lăn xả vào công việc ngay đầu 2021

Trưa 29-12, sau một ngày rưỡi làm việc, hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã kết thúc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị Chính phủ với địa phương. Ảnh: VGP

Đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% hoặc cao hơn

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá năm 2020 là một năm thành công với mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Theo Thủ tướng, nổi bật là kinh tế vĩ mô ổn định, giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao nhất, phát triển văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều nét tích cực, đặc biệt là thành công trong đối ngoại.

Thủ tướng yêu cầu ngay từ đầu năm 2021, tất cả bộ ngành, địa phương phải bắt tay vào việc ngay, không ngừng nghỉ, phải lăn xả vào công việc. Tiếp tục phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và khát vọng phát triển.

Với chủ đề của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển”, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn. “Vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 và xu hướng dịch chuyển đầu tư thương mại, chuyển đổi số trong khu vực và thế giới. Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức” - Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, chính sự đoàn kết, tự hào dân tộc, tinh thần quyết tâm và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của cả hệ thống chính trị và toàn dân sẽ là động lực chính đưa đất nước vươn lên, thu hẹp khoảng cách phát triển của khu vực và thế giới. Trong đó, phải duy trì được nền tảng vĩ mô ổn định, bền vững; không để lạm phát cao và các cân đối lớn của quốc gia phải được giữ gìn, vun đắp.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phấn đấu để Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô mà thời gian qua đã dày công gây dựng.

Từ đó, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng năm 2021 phấn đấu đạt khoảng 6,5% hoặc cao hơn, đồng thời chuẩn bị các yếu tố nền tảng để tăng tốc trong giai đoạn từ năm 2022 trở đi. “Yêu cầu tăng trưởng kinh tế về số lượng cần phải gắn chặt với nâng cao chất lượng tăng trưởng và đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế” - Thủ tướng lưu ý. Cạnh đó, Thủ tướng cho rằng phải bắt kịp và vượt lên ở một số lĩnh vực so với mặt bằng của khu vực và thế giới, trong đó phấn đấu sớm đưa Việt Nam trở thành một cường quốc nông nghiệp với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả.

Làm việc không giấy, chấn chỉnh quan liêu

Thủ tướng cho biết tại hội nghị, các địa phương đã gửi 319 kiến nghị cụ thể về nhiều vấn đề lớn của đất nước. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền.

“Các bộ trưởng, tư lệnh ngành không được im lặng với đề nghị của các địa phương” - ông nói và đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành cần thường xuyên trao đổi với các địa phương để xử lý vấn đề phát sinh, giải quyết vướng mắc, bức xúc trong sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

Theo Thủ tướng, không nên cứ phải văn bản qua lại gây mất thời gian và mất cả thời cơ xử lý, mà cần phải có phong cách làm việc mới không giấy tờ, để chấn chỉnh tình trạng quan liêu, chờ đợi kéo dài.

Ba trụ cột cho phát triển

Theo Thủ tướng, ba trụ cột phát triển của đất nước và các địa phương trong thời gian tới là mặt bằng sản xuất, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Từ đó Thủ tướng yêu cầu hai việc các địa phương cần làm ngay là chuẩn bị mặt bằng cho phát triển sản xuất và nguồn nhân lực để đón dòng đầu tư mới trong năm 2021.

Đối với khâu đột phá về kết cấu hạ tầng, Thủ tướng cho biết sau hội nghị này sẽ phát lệnh khởi công một số công trình giao thông trọng điểm, liên vùng.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp, các ngành cần sớm khắc phục những hạn chế và tồn tại, chú trọng hơn nữa các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, tăng tỉ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để ngày càng nhiều người dân được thụ hưởng.

Năm mới sắp đến, Thủ tướng đề nghị không được lơ là trong phòng, chống dịch COVID-19, quản lý thị trường ổn định, bảo đảm cung cầu hàng hóa cho tết. Đặc biệt, không tổ chức đi chúc tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức; không sử dụng xe công, tiền công vào hoạt động lễ hội, vui chơi.

“Tất cả các bộ, đặc biệt các địa phương rà soát tất cả các mặt để lo cho người dân đón tết vui tươi, an toàn, nhất là người yếu thế, vùng khó khăn, vùng thiên tai” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng: Tất cả lăn xả vào công việc ngay đầu 2021 ảnh 2
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tham luận. Ảnh: VGP

Hoàn thành nhiều dự án, khởi công tiếp 8 dự án trọng điểm

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết năm 2020 Thủ tướng đã chủ trì rất nhiều cuộc họp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của xây dựng cơ bản. Kết quả, giải ngân xây dựng cơ bản tốt nhất nhiệm kỳ, nếu không muốn nói là tốt nhất trong 10 năm qua, đạt tỉ lệ 90%, khoảng 600.000 tỉ đồng. Riêng Bộ GTVT đã giải ngân 36.000 tỉ đồng trong tổng số 40.000 tỉ đồng và phấn đấu giải ngân 100%.

Bộ trưởng nhắc tới nhiều dự án chuẩn bị hoàn thành trong thời gian tới, tuyến đường Vàm Cống - Rạch Sỏi, hầm Hải Vân 2, các dự án đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất, cầu Cửa Hội, sửa chữa cầu Thăng Long… Bộ cũng đã hoàn thành 35 trạm thu phí tự động không dừng, nâng lên 100 trạm và còn 17 trạm đang phấn đấu hoàn thành. Phấn đấu nhanh nhất có thể hoàn thành đường sắt Cát Linh - Hà Đông; vận hành dự án Trung Lương - Mỹ Thuận…

Đây là tám dự án phấn đấu nhiều năm và nay đã cơ bản hoàn thành.

Đồng thời, Bộ GTVT chuẩn bị khởi công nhiều dự án, trước hết là khởi công gói thầu xây lắp đầu tiên của sân bay Long Thành vào đầu năm mới; dự án quốc lộ 19 nối Kon Tum - Bình Định, dự án tuyến tránh Long Xuyên, tuyến Lai Châu - Lào Cai… Tổng cộng có tám dự án chuẩn bị khởi công để công tác đầu tư xây dựng cơ bản năm 2021 tốt hơn.

Bộ trưởng cũng nhắc tới hàng loạt dự án được thúc đẩy thời gian tới, trong đó có bốn dự án tại Đông Nam bộ và năm dự án tại ĐBSCL. Riêng hàng không tập trung vào sân bay Điện Biên, Chu Lai, Côn Đảo...

Về vấn đề giao thông, hạ tầng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng khi làm kế hoạch, quy hoạch phải nghĩ dài hơi hơn, đó là quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch quốc gia, kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025… “Tôi nói ví dụ như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam như thế nào, đường sắt từ TP.HCM đi miền Tây Nam bộ thế nào, đường cao tốc từ Tây Nguyên xuống duyên hải miền Trung sẽ có phương án nào trong tương lai” - Thủ tướng nói.

Từ đó, Thủ tướng yêu cầu từng cấp, từng ngành phải gỡ nút thắt để bừng lên sự phát triển bền vững, một tinh thần là không được để người dân, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế mất niềm tin vào Chính phủ, vào bộ trưởng, vào chủ tịch, bí thư các tỉnh, thành. 

Thu ngân sách tăng hơn 150.000 tỉ đồng

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhìn nhận năm 2020 trải qua nhiều khó khăn và thách thức nhưng kết quả kinh tế - xã hội, thu ngân sách khá toàn diện và tích cực.

Kết quả thu cân đối ngân sách nhà nước đến hết ngày 28-12 đạt 1,43 triệu tỉ đồng. Ước thu ngân sách cả năm đạt 1,47 triệu tỉ đồng, bằng 98,3% dự toán, cao hơn 148.000-150.000 tỉ đồng so với con số đánh giá tháng 8, tháng 9 để báo cáo Quốc hội.

Thu cân đối ngân sách địa phương ước vượt trên 40.000 tỉ đồng, bằng 106% dự toán. Đến nay có 56/63 địa phương thu nội địa vượt dự toán được giao, các tỉnh trọng điểm có Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh đánh giá vượt dự toán, một số địa phương chưa hoàn thành dự toán như TP.HCM, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng.

Thu cân đối ngân sách trung ương ước đạt 776.000 tỉ đồng, đạt 88,4% dự toán, cao hơn 51.000 tỉ đồng so với con số báo cáo Quốc hội.  

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Dù có vaccine, dịch COVID-19 vẫn căng thẳng

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thông tin một số nội dung về phòng, chống COVID-19. Theo Phó Thủ tướng, với nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài thì từ nay đến mùa hè sang năm, tình hình dịch bệnh vẫn căng thẳng như hiện nay, cho dù có vaccine. Nguồn bệnh từ bên ngoài vào là cơ bản, vì vậy ngoài tăng cường kiểm soát chặt chẽ biên giới, chúng ta cần có hệ thống để người dân cung cấp thông tin, phản ánh những người có dấu hiệu nhập cư hoặc di chuyển không đúng quy định.

“Tất cả cấp ủy đảng, chính quyền vận động người dân, đề nghị báo chí vào cuộc để mọi người dân có người thân ở nước ngoài chủ động thông tin cho người thân của mình tuyệt đối không nhập cảnh trái phép. Không vì ngại cách ly của riêng mình mà gây họa cho cộng đồng và cả đất nước” - Phó Thủ tướng nói.

Nhắc lại trường hợp của BN1342 ở TP.HCM, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phải thực hiện thật nghiêm việc theo dõi, giám sát y tế đối với người đã hoàn thành cách ly tập trung. Chính quyền cơ sở, nòng cốt là công an, y tế, phải nắm được từng người. Mỗi ngày ít nhất một lần gọi điện thoại, nhắn tin cho những người này để nắm được tình trạng sức khỏe cũng như việc tuân thủ quy định cách ly tại nhà sau khi cách ly tập trung.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải đẩy nhanh việc định kỳ tự đánh giá việc thực hiện các biện pháp chống dịch, cập nhật lên bản đồ chống dịch (antoancovid.vn), bắt đầu từ các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, sắp tới mở rộng ra phương tiện giao thông, trung tâm thương mại, chợ, nhà máy… Hiện nay, ngành giáo dục rất tích cực triển khai và đã có hơn 40.000 trường học tự đánh giá, cập nhật thông tin hằng ngày.

Theo Phó Thủ tướng, đây là giải pháp rất cơ bản vừa phục vụ trực tiếp cho hoạt động phòng chống dịch, vừa lan tỏa tinh thần chống dịch ra toàn xã hội. Bên cạnh đó, việc cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch còn góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về từng ngành như giáo dục, y tế, giao thông vận tải, thương mại… phục vụ cho công tác điều hành, quản lý nhà nước, chuyển đổi số sau này.

“Ngay sau khi ghi nhận ca bệnh từ Myanmar về (BN1440), chúng ta đã nhanh chóng huy động các lực lượng vào cuộc, nhanh chóng xác định được tất cả người đi cùng BN1440. Qua đó xác định ba người dương tính với virus SARS-CoV-2, hai người âm tính, một người đang chờ kết quả xét nghiệm. Tất cả hệ thống sẵn sàng, đồng bộ như vậy thì mới có thể giữ được an toàn, để nhân dân được đón tết an toàn, vui tươi” - Phó Thủ tướng nói.

Khám bệnh không cần sổ y bạ

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong năm 2020 ngành y tế được đánh giá là điểm sáng của chương trình chuyển đổi số quốc gia với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin…

Điển hình, trong phòng, chống đại dịch COVID-19, các ứng dụng khai báo y tế kiểm soát dịch bệnh, ứng dụng truy vết, bản đồ an toàn COVID-19 đã được áp dụng rộng rãi.

Theo Bộ trưởng Long, dự kiến đầu tháng 3 tới sẽ khai trương chương trình điều hành điện tử trạm y tế xã với trên 10.600 trạm và đặc biệt 98 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân đã được tạo lập trong hơn năm tháng qua, tiến tới đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, khám điều trị ngoại trú không dùng giấy tờ, sổ khám sức khỏe... 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.