Thủ tướng: Phải xóa thói thờ ơ, vô cảm

“Văn hóa không thể đi sau kinh tế. Coi nhẹ văn hóa thì đất nước không thể tồn vong và phát triển bền vững được” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như thế tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác VH-TT&DL năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017, ngày 12-1.

Phải đẩy lùi văn hóa “không nhúc nhích”

Thủ tướng đề cập đến tình trạng nghèo nàn, đơn điệu về đời sống văn hóa ở nhiều nơi, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc thiếu các thiết chế văn hóa ở các khu công nghiệp để phục vụ cho công nhân. “Công nhân đi làm từ sớm tới khuya, 8-9 giờ tối mới về, chỗ ăn không có, chỗ tập không có, chỗ xem không có. Nhà ở không có phải đi thuê. Có phải khuyết điểm này là của chúng ta hay không?” - Thủ tướng đặt câu hỏi và cho biết ông cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng trăn trở cái này nhiều lắm. “Chúng tôi đang cố gắng làm điều gì đó để đáp ứng điều này” - Thủ tướng cho hay.

Thủ tướng đặt vấn đề: “Bác Hồ đã dạy: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Vậy soi thế nào, tỏa sáng thế nào để mọi người dễ đi, dễ tiến lên. Điều đó phải lan tỏa bằng thần thái của văn hóa, văn nghệ, bằng những tác phẩm xuất sắc phục vụ nhân dân”. Thủ tướng cũng yêu cầu phải kiến tạo một không gian sáng tạo để xuất hiện những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc.

Muốn thế “phải lắng nghe các nhà văn hóa góp ý về hướng đi để có cách làm cho tốt. Không để tình trạng văn nghệ sĩ đi một đằng mà Đảng, Nhà nước đi một nẻo” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng cho rằng: “Ở Việt Nam còn có thứ văn hóa không nhúc nhích như bàng quan, thờ ơ, vô cảm trước nhân dân, đặc biệt là trước những vấn đề của đất nước, của xã hội…”.

Dẫn chứng cho điều này, Thủ tướng nêu tình trạng nhìn thấy người bị tai nạn giao thông mà không giúp đỡ, thấy hiện tượng tiêu cực mà không đấu tranh…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Coi nhẹ văn hóa thì đất nước không thể tồn vong và phát triển bền vững được”. Ảnh: V.THỊNH

Thủ tướng yêu cầu phải kiên quyết đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái lạc hậu, những tệ nạn xã hội, thói thờ ơ, vô cảm, cũng như những quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng tới văn hóa, con người Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị mỗi cơ quan quản lý văn hóa, mỗi cán bộ làm công tác văn hóa phải chủ động phát huy vai trò của mình, làm nòng cốt trong việc vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt các phong trào văn hóa. Là hạt nhân lớn, hiệu quả quảng bá các giá trị văn hóa, các truyền thống tốt đẹp của nhân dân.

Văn hóa gì mà trong công sở hút thuốc lá… Văn hóa gì giờ hành chính uống rượu, ngủ say?” - Thủ tướng nói.

Năm câu hỏi cho ngành du lịch

Đối với vấn đề du lịch, Thủ tướng cho hay bản thân mình đã từng yêu cầu các lãnh đạo tỉnh phải trực tiếp ra ngoài xem khách du lịch tới Việt Nam người ta mua cái gì mang về. Từ đó phải biết cách làm du lịch để họ tiêu nhiều tiền hơn…

Thủ tướng đề nghị ngành VH-TT&DL cần có giải pháp cụ thể để trả lời năm câu hỏi: Làm thế nào để du khách ngày càng tìm đến các địa điểm du lịch của Việt Nam đông hơn? Làm thế nào để khách ở lâu hơn thay vì phải rời đi sớm? Làm thế nào để khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì không có gì để chi tiêu? Làm thế nào để khách kể lại những câu chuyện du lịch thú vị với người thân, bạn bè một cách đầy hứng khởi chứ không phải kể xấu hay chê bai về Việt Nam? Làm thế nào để khách quay trở lại sớm nhất có thể chứ không phải một đi không trở lại?

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu khắc phục ngay những việc là nỗi lo sợ của du khách như chèo kéo, “chặt chém”… Cần gắn văn hóa, du lịch, thể thao với APEC 2017.

“Năm qua, UNESCO đã ghi danh tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, nâng tổng số di sản được UNESCO công nhận lên 25 di sản. Lần đầu tiên trong lịch sử, thể thao Việt Nam đoạt huy chương vàng tại Olympic với thành tích của vận động viên Hoàng Xuân Vinh. Cũng trong năm 2016, lần đầu tiên du lịch Việt Nam đón 10 triệu khách quốc tế trong một năm. Tổng thu từ du lịch đạt 400.000 tỉ đồng, về đích trước bốn năm so với mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” - báo cáo của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện về thành tích của ngành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm