Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đưa biển Đông thành khu vực hòa bình

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh hòa bình và an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á luôn gắn với bảo đảm hòa bình và ổn định trên biển, nhất là ở biển Đông. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bên cạnh việc chứng kiến nhiều nỗ lực và những kết quả nhất định trong việc thúc đẩy an ninh và hợp tác ở biển Đông thì những diễn biến phức tạp gần đây ở biển Đông, nhất là các hoạt động bồi đắp và xây dựng quy mô lớn các đảo/đá, đã gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế. Điều này làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng và lâu dài, trong đó có nguy cơ quân sự hóa và xảy ra xung đột, ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực.

“Thực tế đặt ra yêu cầu khách quan là tăng cường hợp tác về các vấn đề trên biển vì mục tiêu kinh tế và phát triển, đồng thời cần sớm xử lý tình hình phức tạp để duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông. Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Do vậy chúng tôi hoan nghênh và trông đợi sự tham gia tích cực và đóng góp xây dựng của các nước để đạt được mục tiêu này” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không làm gì gây phức tạp và căng thẳng thêm tình hình.

“Trên tinh thần đó, chúng tôi ủng hộ việc đẩy mạnh thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng và ngăn ngừa xung đột. Đặc biệt chúng tôi đề nghị các nước chúng ta chân thành, thiện chí cùng nhau cam kết không theo đuổi, không có hành động quân sự hóa ở biển Đông. Chúng tôi đề nghị các bên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC)” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Tại các hội nghị trên, các nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi ý kiến về tình hình khu vực và quốc tế, nhất là những vấn đề ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực nổi bật hiện nay như chống khủng bố, an ninh biển, biến đổi khí hậu...

Về vấn đề biển Đông, nhiều nước chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây và đang diễn ra ở biển Đông, bao gồm việc bồi đắp các đảo/đá, làm xói mòn lòng tin và đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định ở biển Đông.

Các nước nhấn mạnh lợi ích chung và tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông; bảo đảm thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), xây dựng và thúc đẩy lòng tin, tự kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, cam kết không theo đuổi quân sự hóa các cấu trúc ở biển Đông. Cùng đó, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); hoan nghênh cam kết giữa ASEAN và Trung Quốc chuyển sang giai đoạn mới về tham vấn xây dựng COC và phấn đấu sớm đạt COC.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm