Thủ tướng: Kẻ thù lớn nhất là sự chủ quan, lơ là, thỏa mãn

Ngày 1-7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6-2021. 

Tại phiên họp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn cấp ủy, chính quyền các cấp, hệ thống chính trị và sự đồng hành, vào cuộc của các tầng lớp nhân dân đã cùng chia sẻ, gánh vác, hưởng ứng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. 

Người đứng đầu Chính phủ cũng biểu dương các lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch như y tế, công an, quân đội, Ban Chỉ đạo quốc gia.

“Điều lớn nhất là qua khó khăn, thách thức, chúng ta càng thấy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau và đoàn kết quốc tế”- Thủ tướng nói và nhấn mạnh những kết quả bước đầu trong thực hiện mục tiêu kép, bảo đảm an ninh-quốc phòng và đẩy mạnh đối ngoại thời gian qua đã giúp tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác

Kết luận phiên họp, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ rõ một số khó khăn, thách thức đang phải đối mặt. Cụ thể, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường tại một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh Đông Nam Bộ. 

Cạnh đó, tốc độ tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra. Khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều. Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng. Nợ thuế tăng cao. Huy động nguồn lực toàn xã hội tuy có tăng nhưng còn thấp so với dư địa và tiềm năng. Một bộ phận người lao động bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19 nên đời sống khó khăn…

Về nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, Thủ tướng chỉ rõ hai đợt dịch bùng phát với biến chủng virus mới phức tạp, khó lường, nguy hiểm, khó kiểm soát hơn, độc lực mạnh hơn. Tuy nhiên, về chủ quan, có những nơi, những lúc còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực thi pháp luật của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu chưa quyết liệt, chưa đồng bộ, chỉ đạo thiếu nhất quán, chưa bám sát thực tiễn để đưa ra quyết sách phù hợp, thậm chí còn quan liêu, thiếu tinh thần trách nhiệm. 

Cạnh đó, còn nhiều nút thắt phát triển chưa được tìm ra và giải quyết, nhất là về thể chế. Một số chính sách ban hành chỉ mang tính chất tình thế, trước mắt, chưa giải quyết các vấn đề cơ bản, lâu dài.

Bảy bài học

Tiếp đó, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ bảy bài học kinh nghiệm rút ra trong sáu tháng đầu năm. Đáng chú ý, Thủ tướng cho rằng phải chọn lọc và kế thừa những kinh nghiệm quý, bài học hay để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đại hội Đảng các cấp, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các cấp. Tuy nhiên, cần căn cứ tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, thích ứng với tình hình.

Thứ hai, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phát huy sự sáng tạo, chủ động, linh hoạt của cấp dưới.

Thứ ba, tích cực tháo gỡ những “điểm nghẽn” của nền kinh tế, nhất là liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện. Những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. Thủ tướng dẫn chứng về mô hình phong tỏa “3 lớp”, thí điểm cách ly F1 tại nhà...

Thứ tư, tích cực, chủ động tìm ra nguồn lực mới, động lực mới từ nhân dân, từ xã hội để thúc đẩy phát triển... Thời gian qua, một số địa phương đã có những cách làm rất hay, cần nhân rộng trong việc lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.

Thứ năm, càng khó khăn, càng phức tạp thì càng phải bình tĩnh, giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, tôn trọng tập thể, quyết định theo đa số, không bi quan, lo sợ, giữ vững bản lĩnh, lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn  đấu, vươn lên, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe và học hỏi...

Thứ sáu, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không say sưa với những thắng lợi, thành tích, kết quả đạt được ban đầu, không được “ngủ quên trên vòng nguyệt quế” như căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

“Khi chiến thắng, thành công thì áp lực lớn nhất, kẻ thù lớn nhất chính là sự chủ quan, lơ là, thỏa mãn”- Thủ tướng lưu ý. 

Thứ bảy, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công trong phòng chống dịch. Trong đó, phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; tấn công là chủ động, quyết liệt, hiệu quả và dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình.

Không trông chờ, ỷ lại một cách thụ động

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng dự báo tình hình thời gian tới có cả thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen nhau, trong đó phải xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh không được vì thế mà bi quan, lo sợ. 

“Xác định như vậy để nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm cao hơn, cố gắng, quyết liệt hơn”- Thủ tướng nói và lưu ý cần xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, “tự vươn lên từ bàn tay khối óc, khung trời, cửa biển”, “biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể…”, không trông chờ, ỷ lại một cách thụ động để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Thủ tướng nêu rõ chúng ta thống nhất chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra và thống nhất với hai kịch bản tăng trưởng được Bộ KH&ĐT xây dựng (tăng trưởng GDP cả năm 6% theo kịch bản 1 và 6,5% theo kịch bản 2). Ông lưu ý dù kịch bản nào cũng phải cố gắng rất nhiều với các giải pháp khả thi, hiệu quả mới có thể đạt được…

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phải chủ động, nỗ lực giải quyết các nhiệm vụ tồn đọng, kéo dài theo tinh thần “làm việc nào dứt điểm việc đó”. Thủ tướng nhắc tới một số ví dụ cụ thể như tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, dự án chống ngập tại TPHCM đừng để dây dưa, kéo dài…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm