Thủ tướng chủ trì hội nghị phát triển ĐBSCL hiện đại, bền vững

Ngày 13-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu tại TP Cần Thơ.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, cho biết sau hơn ba năm triển khai thực hiện nghị quyết đã thiết lập được những nền tảng quan trọng cho ĐBSCL phát triển thịnh vượng trong thời gian tới.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao các nỗ lực của chính quyền và nhân dân các địa phương… Tuy nhiên việc triển khai thực hiện nghị quyết còn nhiều hạn chế, khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu đề ra cũng như kỳ vọng của nhân dân trong vùng.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh chụp màn hình. Ảnh: NHẪN NAM

Cũng theo Phó Thủ tướng, đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng, một lần nữa thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với sự phát triển của ĐBSCL; Đánh giá những việc làm được, những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt trong ba năm thực hiện ghị quyết.

Đồng thời, Hội nghị cũng sẽ thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại hạn chế, những bài học kinh nghiệm và những giải pháp nhằm mục tiêu vì một ĐBSCL thịnh vượng, hiện đại, bền vững về môi trường, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp tháo gỡ cụ thể; Đại diện các tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp cùng đóng góp, hiến kế cho Chính phủ…

Cụ thể là đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao tại nghị quyết, xác định nguyên nhân hạn chế, khó khăn. Từ đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, như chiến lược quy hoạch, những dự án công trình trọng điểm cần triển khai đầu tư giai đoạn 2021-2025.

Các giải pháp về cơ chế chính sách, khoa học công nghệ và nguồn lực. Sự tham gia, định hướng của các chuyên gia, tổ chức quốc tế… Đề xuất các định hướng giải pháp tăng cường liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế giữa vùng ĐBSCL với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ

“Chính phủ mong rằng Hội nghị quan trọng này sẽ tiếp tục thúc đẩy các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân trong vùng… để các nhiệm vụ giải pháp đã nêu trong nghị quyết được triển khai hiệu quả, nhằm phát triển bền vững và thịnh vượng cho vùng ĐBSCL” – Phó Thủ tướng nói.

Báo cáo của Bộ TN&MT đánh giá ba năm thực hiện nghị quyết cho thấy, nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm đã được trung ương chỉ đạo đầu tư với tổng số vốn đã được giao trong giai đoạn 2016-2020 là 29.426 tỉ đồng. Đến nay tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đã hoàn thành, kết nối TP Cần Thơ với Kiên Giang.

Nhiều công trình, dự án trọng điểm đã được phê duyệt và triển khai như cầu Rạch Miễu 2, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn từ thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) đến huyện Châu Thành (Sóc Trăng), tuyến tránh quốc lộ 1A qua TP Cà Mau…

Chính phủ đã quan tâm tăng cường đầu tư nhiều dự án thủy lợi, hạ tầng thủy sản, cảng cá, khu neo đậu cho khu vực ĐBSCL. Điển hình như Dự án quản lý nước tỉnh Bến Tre, Dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1, Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé - giai đoạn 1, Dự án hệ thống thủy lợi tiểu vùng II, III, V Cà Mau, Dự án cống âu thuyền Ninh Quới, Dự án Tha La, cống Trà Sư.

Đến nay, các dự án, công trình này bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu qua việc hình thành hệ thống đê ngăn mặn, kiểm soát triều cường, sóng cao và đang nâng dần lên khả năng chống chọi với nước dâng do bão, lũ, phát huy tốt hiệu quả trong kiểm soát mặn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm