Thủ tướng Chính phủ: Cần có e-Cabinet mang bản sắc Việt Nam

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, E-Cabinet là một phương thức làm việc mới nhưng rất nhiều quốc gia đã phát triển hệ thống này từ lâu và rất thành công trong xây dựng Chính phủ điện tử. "Chúng ta phải rút ra kinh nghiệm thành công và không thành công từ các chính phủ để làm tốt hơn việc sử dụng hệ thống e-Cabinet tại Việt Nam...", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu ấn nút khai trương hệ thống e-Cabinet.

“Chuyển sang một phương thức làm việc mới thì bao giờ cũng có nhiều điểm bỡ ngỡ, có khi còn e ngại và thấy khó khăn. Những gì chúng ta đã làm quen rồi giờ thay đổi sẽ mất thời gian để làm quen và cần phải cập nhật, đào tạo lại”, Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng bày tỏ là phải quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử bởi đó là xu thế tất yếu, không ngoại trừ quốc gia nào nhưng mang bản sắc Việt Nam. Không áp dụng máy móc mô hình của nước ngoài. 

“Chúng ta muốn xây dựng thành công nền kinh tế số và xã hội số thì trước tiên chúng ta phải có Chính phủ số mà khởi đầu là e-Cabinet ngày hôm nay khai trương. Lợi ích của e-Cabinet không chỉ dừng lại ở tiết kiệm thời gian họp hành mà là yêu cầu nội dung công việc phải được chuẩn bị tốt hơn cả về chất lượng và thời hạn để các thành viên tham dự có thể nghiên cứu trước và cho ý kiến”, Thủ tướng bày tỏ.

Ngay sau đó, Chính phủ đã họp phiên đầu tiên qua hệ thống này và thời gian họp diễn ra chỉ trong vòng 10 phút.

Báo cáo tại cuộc họp ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, dự thảo đã lấy ý kiến thẩm định, tiếp thu giải trình của Bộ Tư pháp. Toàn bộ hồ sơ đã được gửi đến các thành viên Chính phủ qua e-Cabinet. Ông Dũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều hành phần biểu quyết.

“Nếu không có ý kiến khác nhau, đề nghị Chính phủ biểu quyết qua máy tính bảng. Các thành viên Chính phủ vắng mặt có thể theo dõi phiên họp và biểu quyết qua thiết bị di động”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.

Kết quả biểu quyết có 25 thành viên Chính phủ đồng ý với dự thảo nghị quyết, trong đó có 4 thành viên Chính phủ biểu quyết từ xa.

Ngay sau đó VPCP đã trình và ngay lập tức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sử dụng ipad để ký ban hành Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng Nghị định quy định định danh và xác thực điện tử.

Mục tiêu cụ thể của e-Cabinet là trong 2019 sẽ giảm 30% thời gian các phiên họp Chính phủ; giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy, phấn đấu hết năm 2019 sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp Chính phủ (trừ văn bản mật), đạt mục tiêu họp Chính phủ không giấy tờ.

Thay vì xử lý hồ sơ giấy, các thành viên Chính phủ sẽ xử lý trên nền điện tử. Họ cũng có thể kết nối, trao đổi thông tin với nhau. Các thành viên Chính phủ có thể cho ý kiến và biểu quyết trên môi trường điện tử có thực hiện ký số đối với các công việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, kể cả khi vắng mặt tại cơ quan hoặc vắng mặt tại phiên họp Chính phủ.

Trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, từ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở kinh nghiệm thực tế triển khai VPCP không giấy tờ từ tháng 6-2018

 Tháng 2-2019, VPCP đã phê duyệt Đề án xây dựng Hệ thống e-Cabinet với mục tiêu đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ, ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong xử lý các công việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, hướng tới Chính phủ không giấy tờ. Hệ thống e-Cabinet được thực hiện bằng hình thức thuê dịch vụ CNTT. VPCP đưa ra yêu cầu của Hệ thống, Tập đoàn Viettel thực hiện đầu tư, VPCP thuê lại.

Trong quá trình xây dựng Hệ thống, VPCP đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ; có sự tư vấn, giam gia đóng góp ý kiến thường xuyên của các chuyên gia nước ngoài thông qua hỗ trợ của Chính phủ Úc, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á, các chuyên gia của Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử...

"Đến nay, Hệ thống e-Cabinet đã hoàn thành sau hơn 3 tháng triển khai, đáp ứng yêu cầu để đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ đề ra", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết.

.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm