Thủ tục nào làm dân bức xúc nhất thì phải cắt

Chiều 14-5, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến về tình hình, kết quả cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh (ĐKKD), thủ tục hành chính (TTHC) và giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông báo: Công tác cải cách TTHC, cắt giảm ĐKKD đã có nhiều bước tiến. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành để thực thi các phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD đã được phê duyệt.

Đã “liên” thì phải “thông”

Ông Võ Văn Hoan, tân phó chủ tịch UBND TP.HCM, nêu thực trạng tại TP rằng: “Việc liên thông trong các cơ quan tốt nhưng giữa các sở thì chưa tốt. Vì vậy, nhiều khi khó kiểm soát xem hồ sơ đang nằm ở đâu, đang gặp khó khăn gì và có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm”. Ông Hoan cho hay: TP.HCM xác định 40 quy trình liên thông, trong đó mỗi sở có một hoặc hai quy trình. Hiện nay TP đang đánh giá lại hiện trạng, quy trình, trách nhiệm từng sở/ngành và yêu cầu TTHC của từng sở phải nằm trong quy trình có thể kiểm soát được.

“TP cũng xây dựng phần mềm quản lý 40 quy trình liên thông để biết được hiện trạng hồ sơ, đôn đốc các sở/ngành và truy xuất thông tin báo cáo kết quả hiện trạng hồ sơ” - ông Hoan nói và cho hay - “TP.HCM sẽ nâng tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4. Hiện tuy nói nhiều tới dịch vụ công cấp độ 3, 4 nhưng thực hiện chưa được bao nhiêu”.

Mặt khác, ông Hoan nhận định rằng: TP.HCM nỗ lực nhiều nhưng các chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) chưa được cải thiện. “Thấy các tỉnh/thành khác cải thiện nhiều các chỉ số này mà TP chưa được cải thiện thì rất lo. TP đang giao các cơ quan rà soát những điểm chưa được để cải thiện” - ông Hoan thẳng thắn.

Ông Đặng Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cũng cho biết địa phương này đã thực hiện cải cách hành chính năm năm nay với 14 đơn vị cấp huyện và một trung tâm hành chính cấp tỉnh. “Mô hình này hoạt động rất hiệu quả với “bốn tại chỗ”, từ tiếp nhận hồ sơ đến thẩm định, phê duyệt và trả kết quả ngay tại trung tâm hành chính” - ông Hậu nói. Để làm được việc này, theo ông Hậu cần phải có cơ chế ủy quyền và chính sách hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên ở trung tâm hành chính nhằm nâng cao hiệu quả công việc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.  Ảnh: TTXVN

“Mình cải cách một, các nước cải cách mười”

Về phía các cơ quan trung ương, một số bộ cũng nêu những… thành tích và kiến nghị. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Trong thời gian qua, Bộ đã ban hành nghị định, bãi bỏ, đơn giản hóa hàng trăm điều kiện đầu tư kinh doanh. Từ cải cách TTHC, áp dụng mô hình bộ phận một cửa tập trung, Bộ đã hoàn thành toàn bộ 100% hồ sơ hành chính.

“Thay vì phải đi đến các cục, vụ như trước đây thì bây giờ người dân chỉ cần đến bộ phận một cửa, rất thuận tiện. Cải cách này góp phần giảm bớt phiền hà, nhũng nhiễu, phần nào đáp ứng mong đợi của người dân” - ông Sinh cho hay.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: Bốn tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính rất quyết liệt trong sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật. Đến nay đã sửa đổi 9/29 văn bản quy phạm pháp luật, chiếm 31%. Thay đổi phương thức kiểm tra chuyên ngành, giảm hơn 12.000 mặt hàng. Đồng thời thay đổi phương pháp kiểm tra, nhiều mặt hàng chuyển sang hậu kiểm.

“Chưa thể làm ngay được mô hình không giấy tờ, cần thời gian để bộ/ngành thay đổi dần” - Thứ trưởng Mai nói và kiến nghị việc cải cách TTHC, liên thông cần có sự thống nhất, đồng bộ giữa các bộ/ngành với nhau.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng sau khi lắng nghe ý kiến các bộ, địa phương đã nói: “Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là cắt giảm TTHC, ĐKKD phải thực chất và theo hướng Chính phủ kiến tạo, minh bạch. Việc này cần đi vào những việc làm cụ thể mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Những thủ tục nào, dịch vụ công nào người dân, doanh nghiệp đang bức xúc nhất thì phải xem xét làm trước”.

Điểm qua một vài chỉ số được các tổ chức, các định chế tài chính quốc tế đánh giá cao nhưng Bộ trưởng Dũng nhận định: “Chúng ta cải cách một thì các nước cải cách mười. Vì thế ngoài nâng hệ số điểm thì phải nâng được xếp hạng của môi trường kinh doanh Việt Nam”. Đặc biệt, ông Dũng cho rằng mục tiêu “quản lý nhà nước” vẫn phải đảm bảo nhưng không lấy lý do này tạo ra rào cản phát triển, giảm sự tham gia thị trường, tăng chi phí của doanh nghiệp.

“Việc phân cấp cho địa phương cũng phải thực hiện theo phương châm Chính phủ phục vụ, sớm công bố các bộ thủ tục và tiến tới số hóa, công khai” - Bộ trưởng Dũng yêu cầu và lưu ý - “Cải cách TTHC là dư địa cho tăng trưởng và là điều kiện tốt cho phát triển bền vững”.

Bộ trưởng Dũng cho hay đến nay các bộ/ngành đã trình ban hành 29 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.425/6.191 ĐKKD; đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 21 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành; tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công, tương đương trên 6.300 tỉ đồng.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, việc kiểm soát khâu ban hành TTHC vẫn chưa chặt chẽ. Văn phòng Chính phủ đã thẩm tra 22 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC thì thấy có 115 TTHC được quy định. Văn phòng Chính phủ đã đề nghị không quy định 14 thủ tục; sửa đổi, bổ sung 98 thủ tục không cần thiết, không hợp lý. Trong những tháng đầu năm 2019, các bộ/ngành, địa phương đã ban hành 700 quyết định công bố 13.386 TTHC được quy định tại 132 văn bản quy phạm pháp luật để cập nhật, niêm yết tại nơi giải quyết và đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm