Thứ trưởng Nội vụ nói về việc Hội thánh truyền giáo Phục hưng

Chiều 27-5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết qua kết quả xét nghiệm đã phát hiện 36 trường hợp hội viên giáo phái Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng dương tính với SARS-CoV-2.

Trước sự việc này, PLO đã có cuộc trao đổi nhanh với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng liên quan đến việc phòng, chống dịch Covid-19 trong các tổ chức tôn giáo.

Thứ trưởng Nội vụ Vũ Chiến Thắng. Ảnh: TTXVN

. Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, HCDC vừa thông báo có đến 36 ca dương tính liên quan Hội thánh truyền giáo Phục hưng. Ông có ý kiến gì về sự việc này? Theo ông, trách nhiệm này thuộc về cơ quan, đơn vị nào?

+ Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng: Giáo phái Hội thánh Truyền giáo Phục hưng mà báo chí nêu là một điểm nhóm Tin lành tư gia, hoạt động tôn giáo độc lập với các tổ chức Tin lành khác. 

Phạm vi và địa bàn hoạt động tôn giáo của Hội thánh này chỉ diễn ra tại địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung đã đăng ký (địa chỉ số 205/2, đường số 1, phường 3, quận Gò Vấp, nay là số 415/8/4 Nguyễn Văn Công, Phường 3, quận Gò Vấp) với 29 người thành viên thường xuyên. 

Việc người của điểm nhóm Tin lành này bị lây nhiễm SARS-CoV-2 như báo chí đưa tin, đến trưa 27-5-2021 các cơ quan chức năng của TP.HCM đang truy vết thần tốc, xác định các nguồn lây nhiễm để có phương án dập dịch triệt để.

Khi có thông tin người nhiễm COVID-19 trong điểm nhóm Tin lành Truyền giáo Phục Hưng, Ban Tôn giáo Chính phủ đã trực tiếp trao đổi với Ban Tôn giáo TP.HCM và người đứng đầu điểm nhóm, các tổ chức Tin lành  trên địa bàn TP phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cung cấp thông tin, khai báo y tế, thực hiện công tác truy vết lịch sử dịch tễ có liên quan. Đồng thời, chủ động rà soát và nhắc nhở các tín hữu thực hiện nghiêm các giải pháp phòng dịch COVID theo hướng dẫn của chính quyền địa phương. 

Điểm nhóm Tin lành đã chưa thực hiện đúng tinh thần công văn số 1988/BNV-TGCP ngày 7-5-2021 của Bộ Nội vụ và hướng dẫn của chính quyền địa phương; chưa chủ động triển khai các biện pháp và chưa cập nhật văn bản, thông tin hướng dẫn phòng, chống dịch của cơ quan chức năng, đặc biệt là đối với các điểm nhóm đăng ký sinh hoạt cấp cơ sở. 

Còn các vụ, đơn vị chức năng mới chỉ phổ biến, hướng dẫn đến các tổ chức tôn giáo được công nhận mà chưa quan tâm, thông tin đến các điểm nhóm tôn giáo được cấp đăng ký (nhỏ, lẻ) tại cơ sở. Công tác phối hợp quản lý địa bàn cơ sở có khó khăn nhất định, địa bàn rộng, điểm nhóm sinh hoạt trong ngõ sâu nên khó kiểm soát.

. Ông đánh giá thế nào về tình hình phòng chống dịch COVID-19 trong các tổ chức tôn giáo và của các tín đồ thời gian qua?

+ Trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, các tổ chức tôn giáo đã tích cực chung tay, đồng hành với chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch, thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao với đất nước, với Nhân dân, góp phần mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Lãnh đạo 43 tổ chức tôn giáo vừa qua đã cam kết với Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ chấp hành tốt chỉ thị của Thủ tướng và thông điệp 5K của Bộ Y tế trong phòng chống dịch. 

Nhiều tổ chức giáo hội đã hướng dẫn cho các tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, tín đồ hạn chế tổ chức các hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo có đông người tham dự. Thậm chí là tạm dừng hội nghị thường niên, đại hội nhiệm kỳ; chuyển sang tổ chức sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo trực tuyến, sử dụng các trang truyền thông của giáo hội và cầu nguyện online tại gia đình. 

Cạnh đó, thực hiện giãn cách, không tổ chức lễ hội tập trung đông người; không mời đón giáo sĩ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là những quốc gia có dịch. 

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, chỉ đạo chức sắc, chức việc, tín đồ nghiêm túc, tự giác và tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của chính quyền địa phương, tích cực đóng góp, ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 với kinh phí hàng trăm tỉ đồng, trong đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ủng hộ trên 200 tỉ đồng.

. Trong bối cảnh làn sóng dịch thứ tư trong nước diễn biến phức tạp, lại đúng vào thời điểm một số tôn giáo có các hoạt động quan trọng, Bộ Nội vụ/Ban Tôn giáo Chính phủ có cảnh báo gì về vấn đề này?

+ Trong bối cảnh làn sóng dịch lần thứ tư trong nước diễn biến phức tạp, lại đúng vào thời điểm một số tôn giáo ở Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra nhiều hoạt động tôn giáo lớn như: An cư kiết hạ, Vu lan của Phật giáo, Lễ hội La Vang của Công giáo, Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung của đạo Cao đài, tháng chay Ramadan của người Hồi giáo và các hội nghị, đại hội nhiệm kỳ của các tổ chức tôn giáo. 

Nếu không nghiêm túc thực hiện giãn cách, áp dụng các hình thức sinh hoạt tôn giáo trực tuyến mà vẫn tổ chức và tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tập trung đông người sẽ là một trong những nguy cơ lớn dẫn đến lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Bộ Nội vụ đã hướng dẫn lãnh đạo 43 tổ chức tôn giáo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở thờ tự. 

Ngay sau khi phát hiện những ca đầu tiên của đợt dịch lần thứ tư; Bộ đã ban hành văn bản số1988/BNV-TGCP ngày 7-5-2021 gửi lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tổ chức và hoạt động tôn giáo. 

Thông qua các hoạt động chúc mừng Giáng sinh trong Công giáo, Tin Lành; chúc mừng Phật đản trong Phật giáo và các công tác tiếp xúc vận động chức sắc, tôn giáo, tín đồ tham gia bầu cử…, Ban Tôn giáo Chính phủ đều hướng dẫn và yêu cầu lãnh đạo các tổ chức tôn giáo thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch, không để lây lan trong cơ sở sở tôn giáo.

. Xin cám ơn Thứ trưởng.

 Một số chủ trương đáng chú ý của Bộ Nội vụ:

- Ban Tôn giáo Chính phủ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Ban Tôn giáo các tỉnh, thành phố, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, chủ động tấn công phòng chống dịch. 

Đó là “đến các địa bàn trọng điểm, gặp gỡ từng chức sắc tôn giáo; rà soát từng cơ sở thờ tự, đặc biệt là các điểm nhóm đăng ký sinh hoạt tôn giáo tôn giáo cấp cơ sở, hoạt động nhỏ, lẻ, chưa được công nhận tổ chức và các nhóm, phái tôn giáo mới… ” để thông tin, tuyên truyền, vận động dừng các sinh hoạt tôn giáo khi dịch bệnh diễn phức tạp và có nguy cơ cao. 

Đối với các tổ chức, cá nhân tôn giáo không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, tùy từng mức độ vi phạm, đề nghị chính quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

- Tiếp tục triển khai thực hiện công văn số 1988/BNV-TGCP gửi Lãnh đạo các tổ chức tôn giáo. Đối với các địa phương có dịch, đề nghị treo biển cảnh báo và cấm sinh hoạt tôn giáo tại cơ sở thờ tự. 

Đối với các địa phương có nguy cơ lây nhiễm nhiễm cao, tạm dừng mọi sinh hoạt tôn giáo…; đồng thời thiết lập kênh liên lạc online với lãnh đạo các tổ chức tôn giáo để trao đổi, hướng dẫn chức sắc, tín đồ trong công tác phòng chống dịch

- Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố và các địa phương quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo; kiểm tra giám sát các hoạt động tôn giáo, không để tổ chức sinh hoạt tập trung đông người, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh; thu thập, củng cố vi phạm của người đứng đầu điểm nhóm Tin lành và các cơ sở thờ tự (nếu có) để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật; không để thế lực xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động tín đồ vi phạm pháp luật, chống đối chính quyền; xuyên tạc công tác phòng, chống dịch.

- Ban Tôn giáo Chính phủ giao các vụ chức năng, chủ động phối hợp với các ngành và địa phương, khẩn trương lập bản đồ về dịch bệnh COVID - 19 trong các tôn giáo để cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh hàng này, phân loại cơ sở thờ tự có nguy cơ lây nhiêm, để thông tin phối hợp với chính quyền địa phương,  hướng dẫn Lãnh đạo các Giáo hội có biện pháp nhắc nhở, xử lý cá nhân chức sắc, tín đồ chủ động phòng dịch.

- Vận động các tôn giáo tham gia đóng góp vào quỹ vaccine phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ tướng phát động.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm