Thứ trưởng Bộ Tài chính: Nợ công đang rất cao rồi!

Ngày 26-10, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc gặp gỡ báo chí để cung cấp thông tin về tình hình cân đối ngân sách nhà nước (NSNN), khi trước đó có thông tin cho rằng ngân sách năm 2016 còn rất ít - 45.000 tỉ đồng.

Bộ trưởng Vinh nói đúng nhưng chưa đủ (?)

Trả lời câu hỏi: “Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội (QH) khóa XIII, nền kinh tế 2015 phục hồi khá, tăng trưởng GDP cao nhưng lại mất cân đối thu NSSN?”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay năm nay thu NSNN tăng vượt dự toán 17.400 tỉ đồng, trong đó ngân sách địa phương tăng thu 47.700 tỉ đồng, tuy nhiên ngân sách trung ương lại hụt thu 31.000 tỉ đồng. Năm nay, tăng trưởng kinh tế đạt khá, dự kiến vào khoảng 6,5%; cùng với đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp trong khoảng 1,5%-2% nên các yếu tố đầu vào của nền kinh tế có lợi. Nhờ đó, nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế GTGT tăng cao, do đó thu NSNN vượt dự toán.

Trong khi đó, khoản hụt thu lên đến 31.000 tỉ đồng của ngân sách trung ương là do giá dầu thô giảm mạnh (giảm gần một nửa so với dự toán), gây hụt thu cho cả việc khai thác và xuất khẩu dầu thô. Bên cạnh đó, khi gia nhập cộng đồng kinh tế chung ASEAN vào năm 2015, các khoản thuế nhập khẩu theo cam kết cũng phải giảm.

Đặc biệt hơn, theo ông Tuấn, tiền nợ đọng thuế của doanh nghiệp lên đến 76.000 tỉ đồng bao gồm nợ bất khả kháng, nợ nộp chậm đang nằm ở các cục thuế, riêng số tiền thuế nộp chậm là 34.000 tỉ đồng. Trong bối cảnh khó khăn đó, một số doanh nghiệp lớn ý thức chấp hành quy định chưa nghiêm, cố tình chiếm dụng khoản ngân sách phải nộp.

 
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đang thông tin các vấn đề liên quan đến chi thu NSNN tại buổi họp báo ngày 26-10. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG

“Điển hình là Liên doanh Vietsovpetro đang chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2014 giá dầu bình quân thế giới là 100 USD/thùng, với quy định của pháp luật cũng như các hiệp định đã ký kết, đơn vị này phải nộp thuế 86 triệu USD (khoảng 2.000 tỉ đồng). Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp này đã lấy đủ lý do để trì hoãn nộp ngân sách. Thậm chí họ còn đề xuất cho phép tăng chi phí khai thác lên hơn mức 35% trong cơ cấu doanh thu như hiện tại, nhằm giảm nghĩa vụ nộp thuế” - ông Tuấn cho hay.

Liên quan đến con số mà Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh đưa ra rằng NSNN năm 2016 còn chỉ khoảng 45.000 tỉ đồng, ông Tuấn cho hay số liệu mà Bộ trưởng Vinh đưa ra là đúng nhưng chưa đầy đủ. Con số 45.000 tỉ đồng là ngân sách trung ương chứ không phải toàn bộ ngân sách. “Số liệu này chưa bao gồm nguồn vốn vay ODA cũng được xem là NSNN, dự kiến khoảng 50.000 tỉ đồng. Như vậy tổng ngân sách trung ương khoảng 95.000 tỉ đồng”. Ông Tuấn thông tin như thế và cho hay khoản tiền này sẽ do Bộ KH&ĐT phân bổ cho đầu tư.

Nợ công đã lên đến 63,2% GDP

+ Trả lời về con số nợ công thực sự hiện nay như thế nào, ông Tuấn cho biết: “Hiện nay ngưỡng tối đa của nợ công được QH cho phép là 65% GDP. Theo số liệu Chính phủ báo cáo trước Quốc hội tính đến nay nợ công là hơn 61% nhưng nếu tính đủ 50.000 tỉ đồng vốn vay ODA năm 2015 thì nợ công đã lên đến 63,2%; dù trong ngưỡng an toàn nhưng rất cao rồi! Bộ Tài chính sẽ cố gắng xây dựng và chấp hành quy định không để nợ công vượt quá 65%. Tuy nhiên, nợ công 65% chỉ an toàn khi tăng trưởng kinh tế đạt 3% trở lên và bội chi dưới 5%.

Liên quan đến việc Chính phủ cũng đề xuất xin QH phương án phát hành 3 tỉ USD trái phiếu quốc tế, ông Tuấn cho biết việc phát hành trái phiếu trong nước bằng ngoại tệ này sẽ khả thi và cần thiết. Do thị trường tài chính Việt Nam chưa phát triển nên Chính phủ xin QH cho lộ trình hợp lý chuyển dần từ một năm, ba năm sang năm năm, thay vì theo yêu cầu từ năm năm trở lên như nghị quyết QH quy định bởi lãi suất ba năm thấp hơn năm năm. “Việc phát hành trái phiếu quốc tế 3 tỉ USD này nhằm để tái cơ cấu nợ ngắn hạn (đảo nợ), nhu cầu đến đâu sẽ dùng đến đó. 3 tỉ USD là mức trần cho hai giai đoan 2015-2016 chứ không phải từng thời điểm trước mắt” - ông Tuấn nói.

Cân đối sao cho nguồn thu ngân sách cho năm tới?

. Vậy trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ có phương án nào để bảo đảm cân đối nguồn thu chi NSNN?

+ Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo ngành thuế tập trung truy thu 34.000 tỉ đồng mà các doanh nghiệp có khả năng nộp và không chấp hành nộp, phấn đấu thu nợ 50% số nợ này. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra, chuyển giá, tăng cường thu hồi nợ đọng thuế, tránh thất thu NSNN. Hiện cả nước có 506.000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh tự khai, tự nộp thuế, cơ quan thuế phải thanh tra, kiểm tra tối thiểu phải được 12%-15% số doanh nghiệp này. Qua chín tháng ngành thuế đã lập biên bản trên 8.000 tỉ đồng, đã thu vào ngân sách 5.000 tỉ đồng, còn lại khoảng 3.000 tỉ đồng nữa phải quyết tâm thu.

Ngoài ra, trong tờ trình QH, Chính phủ kiến nghị cho phép lấy 10.000 tỉ đồng từ tiền đã thoái vốn doanh nghiệp để bù vào ngân sách thâm hụt. Tuy nhiên, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo thu đúng, thu đủ, kịp thời để đảm bảo cân đối, giảm dần sử dụng con số 10.000 tỉ đồng này.

Về kịch bản giá dầu thô, dự toán ngân sách 2016 ước tính giá dầu ở mức 60 USD/thùng. Bộ Tài chính đưa ra mức này để nếu có biến động, ngân sách còn có thể xoay xở cho kịp thời, bởi dự kiến NSNN chỉ hụt thu 3.000-4.000 tỉ đồng. Mức này vẫn được coi là khá lạc quan.

Ít khi tính nguồn ODA để cân đối NSNN

Lâu nay nguồn ODA không được xem là nguồn vốn để cân đối vào NSNN, vốn được tính riêng và cố định theo từng hạng mục. Trước tình hình chi tiêu eo hẹp thì Bộ Tài chính cộng vào đây để tăng nguồn vốn theo kỹ thuật tính toán. Tôi cho rằng Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT nên thống nhất với nhau về phương pháp tính để tránh trường hợp vênh nhau giữa dự toán và thực chi vốn ODA để số liệu sát thực tế hơn.

Qua báo cáo của Chính phủ trước QH có thể thấy tình hình thu chi NSNN rất căng thẳng, nhất là NSNN chi quá nhiều vào chi thường xuyên. Đặc biệt dư luận xã hội thắc mắc quan tâm tại sao chi nhiều vào việc như đi nước ngoài, sắm xe công, nuôi xe công với số tiền quá lớn. Do đó, trong thời gian tới, Bộ Tài chính cần siết chặt chuyện lạm dụng xe công vào việc riêng, giảm chi các hoạt động không cần thiết cho bộ máy cồng kềnh hiện nay.

TS LÊ ĐĂNG DOANH, nguyên Viện trưởng Viện
Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm