Thứ trưởng Bộ Tài chính đi xe biển trắng đến cơ quan

Do ngày 1-10 trùng vào ngày nghỉ thứ Bảy nên sáng 3-10, các thứ trưởng Bộ Tài chính mới bắt đầu công việc của tuần mới, tháng mới bằng việc đi làm không có xe công biển xanh đưa đón như trước đây.

Từ sáng sớm, khác với thói quen hằng ngày đi xe biển xanh đến cơ quan, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí đã bước xuống cổng cơ quan ở 28 Trần Hưng Đạo từ một chiếc taxi bốn chỗ. Theo quy định, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí có mức khoán xe ở mức 9,9 triệu đồng/tháng với cự ly khoán là 15 km.

Tương tự, các thứ trưởng khác như Vũ Thị Mai, Trần Xuân Hà, Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng được đưa đón từ nhà đến cơ quan bằng xe biển trắng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết bà rất vui vẻ khi hưởng ứng chủ trương khoán chi phí xe công từ lãnh đạo Bộ Tài chính. Đây cũng cách mà Bộ Tài chính tiết kiệm chi tiêu ngân sách. Hiện Bộ Tài chính đang trong quá trình vừa áp dụng vừa rút kinh nghiệm, sau một thời gian triển khai, Bộ sẽ có đánh giá chủ trương này rồi mới tính đến chuyện nhân rộng hay không.

Khoán chi phí xe công sẽ tiết kiệm chi tiêu ngân sách.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết ông sẽ thực hiện theo quy định của cơ quan Bộ Tài chính về khoán xe công. Có thể trong quá trình di chuyển phục vụ công việc có một số bất tiện nhưng đây là quy định chung nên ông sẽ cân đối sắp xếp mọi việc một cách hợp lý.

Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô. Thời điểm thực hiện từ ngày 1-10-2016. Theo đó, Bộ Tài chính áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công đối với các chức danh thứ trưởng Bộ Tài chính, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ Tài chính.

Theo đó, đơn giá khoán sẽ được xác định theo mức giá của các hãng xe taxi (loại bốn chỗ) phổ biến trên thị trường; số kilomet khoán là khoảng cách thực tế từ nơi ở đến nơi làm việc. Để cụ thể hóa mức khoán, Cục Tài chính-Kế hoạch (Bộ Tài chính) đã trình đơn giá khoán chi phí sử dụng xe công với chức danh thứ trưởng Bộ Tài chính là 15.000 đồng/km (giá cước taxi cao nhất).

Theo đó, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Trần Xuân Hà, Nguyễn Hữu Chí có mức khoán cao nhất 9,9 triệu đồng/tháng với cự ly khoán là 15 km; tiếp đến là Thứ trưởng Trần Văn Hiếu, Vũ Thị Mai có mức khoán 5,2 triệu đồng/tháng với 8 km và thứ trưởng có mức khoán thấp nhất là Huỳnh Quang Hải 3,9 triệu đồng/tháng với 6 km. Tổng cộng mỗi tháng, Bộ Tài chính sẽ chi ra 44,2 triệu đồng tiền khoán xe cho các thứ trưởng.

TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, rất ủng hộ chủ trương khoán xe công của Bộ Tài chính. Nếu Bộ Tài chính thực hiện thành công sẽ tạo ra bước tiên phong trong chính sách khoán xe công cho lãnh đạo; đồng thời tiết kiệm chi phí cho ngân sách.

Tuy nhiên, ông Long vẫn còn băn khoăn tính khả thi của kế hoạch này và cho rằng việc khoán xe công mới chỉ dừng lại ở khuyến khích chứ không bắt buộc. Chính sách khuyến khích khoán xe công này đã từng áp dụng ở một số cơ quan của Quốc hội nhưng số lượng đăng ký rất ít. Một số lãnh đạo từng đăng ký khoán xe công nhưng sau đó vẫn quay lại dùng xe công vì không thuận tiện.

Theo ông Long, chính sách khoán xe công đối với thứ trưởng của Bộ Tài chính chỉ áp dụng đưa đón từ nơi ở đến cơ quan làm việc, sau khi đến cơ quan và cần đi đâu đó làm việc họ vẫn phải dùng đến xe công. Như vậy, việc áp dụng cơ chế này có hợp lý hay không?

Một điều đáng lưu ý mà ông Long đưa ra là với tầm chức danh thứ trưởng sẽ không khó khăn về thu nhập nên việc nhận khoán xe gần 10 triệu đồng/tháng khiến họ không tha thiết, tự giác thực hiện nếu không có sự bắt buộc. Bên cạnh đó, tâm lý các lãnh đạo vẫn thích có xe biển xanh đưa đón.

Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cho biết việc khoán chi phí xe công không phải áp dụng lần đầu tiên nhưng đến nay việc nhận khoán xe công vẫn chỉ thực hiện trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc.

“Trước mắt, Bộ Tài chính sẽ áp dụng khoán xe đưa đón từ nhà đến nơi làm việc, sau đó Bộ sẽ có đánh giá lại quá trình thực hiện, nếu mọi việc tốt đẹp sẽ cho mở rộng diện khoán xe” - Vị này cho biết.

Theo ông Thắng, bên cạnh một số trường hợp khuyến khích khoán xe công thì một số trường, địa bàn, lĩnh vực có thể khoán bắt buộc. Chẳng hạn như địa bàn ở khu trung tâm, đô thị, khi phương tiện công cộng, cá nhân phát triển tốt hoàn toàn có thể khoán được. Thế nhưng để thực hiện rộng rãi cơ chế này cũng cần gắn với hạ tầng và đảm bảo an ninh, an toàn cho các lãnh đạo.

Về nhân sự lái xe cho các chức danh trên, ông Ngô Chí Tùng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, cho biết việc khoán xe công chỉ áp dụng cho chặng đường từ nhà đến nơi làm việc, còn khi đi công tác, họp hành, các thứ trưởng vẫn được bố trí lái xe như thông thường.

Tuy nhiên, Văn phòng Bộ sẽ nghiên cứu, tính toán để sắp xếp lại đội ngũ lái xe, điều chuyển theo đúng quy định. “Mục tiêu là sẽ giảm được số lượng nhưng đội ngũ này cũng là công chức nên không thể cùng một lúc mà cho nghỉ việc. Đây là bước đầu tiên của Bộ Tài chính mang tính chất nội bộ để tạo sự lan tỏa ra cả nước để tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước" - ông Tùng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm