Thủ phủ titan kêu cứu - Bài 3

Thủ thủ titan kêu cứu: Nước ngầm và danh thắng lâm nguy

Bình Thuận là tỉnh khô hạn nhất Việt Nam. Với những vùng ven biển, nước ngọt vô cùng quý giá. Thế nhưng nguồn nước ngọt vốn khan hiếm này đã và đang bị các dự án khai thác titan “truy bức” đến mức lâm nguy.

Khai thác titan, phá tan nguồn nước

Múc một ca nước có màu nâu đỏ đưa cho chúng tôi xem, bà Mai Thị Tĩnh, nhà ở thôn Hồng Hải, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình (Bình Thuận), không giấu được sự ngao ngán: “Trước đây các mỏ khai thác cát đen (titan) đã làm giếng bị nhiễm mặn. Đến giờ nước còn chuyển sang màu đỏ quạch như thế này thì làm sao sử dụng được”. Người dân phản ánh điều này với chúng tôi vào những ngày đầu tháng 8, sau khi các mỏ khai thác titan ở gần thôn Hồng Hải đã đào sâu hàng chục mét.

Theo phản ánh của người dân, nguồn nước sinh hoạt (nước giếng) ở thôn Hồng Hải bất ngờ bị nhiễm mặn sau thời điểm các dự án titan ở trên đồi cao gần đó khai thác rầm rộ. Từ nhiều năm trước, do không có nước sinh hoạt, người dân phản ứng dữ dội và yêu cầu phải đóng cửa các mỏ khai thác titan. Sau đó một chủ đầu tư khai thác titan đã bỏ tiền lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước ngọt từ nơi khác đến cho người dân sử dụng. Tuy nhiên, nguồn nước này người sử dụng phải trả tiền với giá 6.000 đồng/m3. Do đó hiện nay những gia đình có hoàn cảnh khó khăn phải cắn răng dùng nước giếng đỏ quạch cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.

Tại khu phố Đông Sơn, Long Sơn thuộc phường Mũi Né (TP Phan Thiết) - nơi có nhiều mỏ khai thác titan, chúng tôi cũng nhận được nhiều bức xúc của người dân về hiện tượng nước giếng bị nhiễm mặn với mức độ ngày càng tăng. “Khu vực này chưa có nước máy nên nước giếng bị nhiễm mặn khiến sinh hoạt của gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây chủ các mỏ titan có hỗ trợ tiền mua nước nhưng sau này họ nói mỏ ngưng hoạt động nên không hỗ trợ nữa” - chị Liên, nhà gần một mỏ titan, bày tỏ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ bức xúc của người dân, nhiều năm trước UBND tỉnh Bình Thuận đã giao Sở KH&CN tỉnh Bình Thuận khảo sát, đánh giá sự ảnh hưởng của các dự án khai thác titan đến nguồn nước sinh hoạt của người dân. Qua khảo sát thực tế và tiến hành lấy mẫu nước ở những khu vực dân cư gần nơi khai thác titan, Sở KH&CN tỉnh Bình Thuận xác định nhiều mẫu nước bị nhiễm mặn nặng. Kết quả kiểm tra cũng cho thấy nước dùng để khai thác titan cũng bị nhiễm mặn.

Một mỏ khai thác titan tạo ra hố sâu hàng chục mét, nằm bên trên khu vực thôn Hồng Hải, nơi nước giếng bị nhuộm màu đỏ quạch. Ảnh: TH.PC

Nước giếng ở nhà dân  gần mỏ khai thác titan bị nhiễm mặn và chuyển sang màu đỏ giống màu cát  ở mỏ titan.  Ảnh: TRUNG THANH

Tỉnh muốn hạn chế, Bộ TN&MT nói không

Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cho biết phần lớn các khu vực quy hoạch khai thác titan đều nằm ven biển, nơi nguồn nước ngọt chỉ tồn tại trong các cồn cát hoặc các ao hồ, sông suối nhỏ và thường chỉ có dòng chảy vào mùa mưa nên lượng nước này chỉ đủ cung cấp nhu cầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân tại khu vực. Thời gian qua, tại các khu vực khai thác titan trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt, nhất là về mùa khô.

Theo GS-TS Đặng Trung Thuận (Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam), các mỏ khai thác titan lộ thiên sẽ phải đào hố sâu nên việc ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm là điều tất yếu, không tránh khỏi. PGS-TS Đoàn Văn Cánh, Chủ tịch Hội Địa chất thủy văn Việt Nam, còn cảnh báo việc khai thác titan sử dụng nhiều nước nên không chỉ ảnh hưởng đến nước ngầm mà còn có nguy cơ gây cạn kiệt các hồ nước tự nhiên (còn gọi là bàu) ở Bình Thuận.

Trước nguy cơ cạn kiệt nguồn nước, môi trường sẽ bị suy thoái và nhất là sự bức xúc vì thiếu nước của nhân dân ở các khu vực khai thác titan, từ nhiều năm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận có chủ trương xây dựng điều kiện ràng buộc các dự án khai thác titan không được phép khai thác nước từ nguồn nước ngầm, nước từ các suối, ao, hồ mà phải mua nguồn nước từ Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi của tỉnh.

Song vấn đề trên, tại nhiều cuộc làm việc với tỉnh Bình Thuận để tìm giải pháp, vẫn chưa được Bộ TN&MT đồng ý. Bộ TN&MT cho rằng theo quy định của pháp luật, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước!

Thắng cảnh suối Tiên, bàu Trắng lâm nguy

Bình Thuận có hai danh thắng khá nổi tiếng là suối Tiên (Mũi Né) và bàu Trắng (huyện Bắc Bình). Trong đó bàu Trắng có dung tích trên 12 triệu m3, là hồ cung cấp nước ngọt lớn nhất Bình Thuận.

Thủ thủ titan kêu cứu: Nước ngầm và danh thắng lâm nguy ảnh 3

Theo PGS-TS Đoàn Văn Cánh, suối Tiên được hình thành do nước ngầm từ các thành tạo cát đỏ, cát trắng chảy ra. Do đó với hoạt động khai thác titan làm các tầng cát xung quanh bị phá mất, nghĩa là làm mất nơi hình thành và lưu giữ nước, dẫn đến mất nước trong các dòng suối và cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ này cũng có nguy cơ bị xóa sổ.

PGS-TS Đoàn Văn Cánh cũng bày tỏ lo ngại các mỏ titan khai thác nước rất sâu làm mực nước ngầm ngày càng hạ thấp, hình phễu hạ thấp mực nước càng lan rộng nên không chỉ gây cạn kiệt giếng nước mà còn làm mất đi nguồn nước bổ cập cho các hồ nước ngọt.

_______________________

Bài 4: “Bóng ma” phóng xạ rập rình từ mỏ titan

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm