Thư ngỏ gửi đến tân Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu

Bức thư này được gửi một ngày trước khi các đại biểu QH bấm nút thông qua Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (theo kế hoạch là ngày mai 5-4-2016).

Theo nội dung bức thư, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực, xâm hại tình dục nghiêm trọng với phụ nữ và trẻ em. Cụ thể, một bảo vệ xâm hại 23 cháu gái ở trường dân tộc nội trú tại Lào Cai, một thiếu úy công an Hải Dương đánh người yêu chấn thương sọ não, một thầy giáo luồn tay qua nách học sinh nữ để hướng dẫn bài tập, một nghệ sĩ bị bắt ở nước ngoài với cáo buộc xâm hại tình dục trẻ em.

Đặc biệt, trong năm năm qua (2011-2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với năm năm trước đó. Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%) và gia tăng xâm hại tình dục nam. Năm 2011, lực lượng chức năng bắt hơn 1.000 người, đến năm 2015 số đối tượng tăng lên hơn 1.400 người.

Nghiên cứu gần đây nhất của Tổ chức Action Aid tại Việt Nam, có tới 87% phụ nữ từ hai TP lớn là TP.HCM và Hà Nội từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng; 67% người chứng kiến đã không có hành động gì.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam, 31% em gái vị thành niên và thanh niên đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng, 11% học sinh tại 30 trường phổ thông của Hà Nội từng bị xâm hại, quấy rối tình dục.

“Chúng tôi nghĩ đó là một con số đau lòng, khiến những người có lương tri phải hổ thẹn. Những con số vừa nêu càng đòi hỏi chúng ta phải hành động ngay và quyết liệt hơn nữa. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có khung pháp lý bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em tương đối hoàn chỉnh nhưng công tác thực thi và giám sát thực thi kém hiệu quả đang là rào cản để Việt Nam tiến xa hơn nữa trong nỗ lực giải quyết các vấn đề của phụ nữ và trẻ em…” - thư viết.

Các vụ bạo hành tình dục ngày càng cao ảnh hưởng đến môi trường sống của trẻ. Ảnh minh họa

Bà Anh cùng với các tổ chức cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do gia đình, nhà trường chưa nhận thức đầy đủ tính nghiêm trọng của vấn đề. Các vụ việc xảy ra chưa được xử lý nghiêm minh, nhiều vụ hình sự nghiêm trọng nhưng lại được thương lượng dân sự.

"Chúng tôi hiểu rằng QH là cơ quan quyền lực tối cao, trong đó Ủy ban Các Vấn đề xã hội của QH và Ủy ban Văn hóa và Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng là đơn vị giám sát việc thực thi các luật liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Chúng tôi mong Bà và các đại biểu QH - những người đại diện cho nhân dân và có tiếng nói quan trọng trong QH - lưu tâm đến vấn đề trên để thúc đẩy việc thực thi luật tại các địa phương trên cả nước" - thư viết.

Theo đó, bà Anh cùng các tổ chức kiến nghị: Thúc đẩy các thảo luận với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cần biên soạn chương trình giáo dục bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em cho trẻ em từ bậc tiểu học tới THPT với các kiến thức, kỹ năng phù hợp với lứa tuổi, để giúp các em hiểu và chủ động bảo vệ mình.

Các cơ quan hành pháp, tư pháp từ cấp cơ sở cần đặt người bị hại làm trung tâm, phối hợp với các cơ quan, đơn vị để xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt, trong việc giải quyết các vụ xâm hại tình dục, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, các cán bộ thực thi pháp luật cần có nhạy cảm giới cũng như kiến thức, kỹ năng làm việc với những nhóm dễ tổn thương.

Xem xét việc bổ sung các quy định pháp luật liên quan tới quấy rối tình dục nơi công cộng trong các đạo luật liên quan như quy định rõ về hành vi, tội danh…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm