Thông toàn tuyến cao tốc Long Thành

“Từ ngày 8-2, đoạn từ nút giao quốc lộ 51 đến nút giao Dầu Giây dài khoảng 30 km của tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (gọi tắt là cao tốc Long Thành) chính thức được đưa vào khai thác” - ông Phạm Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho biết.

Chạy nước rút, vượt tiến độ

Cao tốc Long Thành là đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam. Toàn tuyến có bốn nút giao khác mức và “điểm nhấn” đáng chú ý là cầu Long Thành dài 2,35 km. Ngoài ra, 100% diện tích mặt đường được thảm lớp bê tông nhựa tạo nhám, giúp tăng độ bám cho bánh xe trong điều kiện đường ướt, trơn trượt. Trên tuyến cao tốc còn có hệ thống cân tải trọng hiện đại, giúp kiểm soát xe quá tải lưu thông mà không cần dừng xe.

“Dự án còn một số công việc phụ trợ khác sẽ được hoàn thiện sau nhưng đến nay đã có thể thông đường. VEC đã hoàn tất các thủ tục đảm bảo điều kiện an toàn (phối hợp với CSGT, cứu hộ, y tế… để điều hành, kiểm soát, ứng trực cứu hộ, cứu nạn, cứu thương 24/24 giờ) để đến ngày 8-2 chính thức thông toàn tuyến” - ông Quang khẳng định.

Theo ông Quang, để thông được toàn tuyến cao tốc trước tết Nguyên đán, chủ đầu tư cùng nhà thầu thi công đã phải rất nỗ lực hoàn thành đoạn từ nút giao quốc lộ 51 đến nút giao Dầu Giây. Cụ thể, gói thầu 5A gồm phần đường, cầu với khối lượng các hạng mục thi công lớn như ba cầu chính, một cầu vượt, cống hộp dân sinh… được khởi công chậm nhất trong toàn bộ dự án (vào tháng 12-2013, do nhà thầu Trung Quốc bỏ cuộc - NV) nhưng đã xuất sắc vượt tiến độ 10 tháng.

Tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được chính thức thông xe vào ngày 8-2. Ảnh: MINH PHONG

Tiết kiệm thời gian, giảm chi phí

Tuyến cao tốc Long Thành đi qua quận 2, quận 9 (TP.HCM) và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ, Thống Nhất (Đồng Nai). Điểm đầu của tuyến là nút giao giữa đường Lương Định Của với đại lộ Mai Chí Thọ, phường An Phú, quận 2. Từ TP.HCM muốn vào cao tốc thì có thể theo các tuyến xa lộ Hà Nội, đại lộ Mai Chí Thọ (vào nút giao An Phú), theo đường Đỗ Xuân Hợp, đường Nguyễn Duy Trinh. Từ khu vực quận 4, quận 7, huyện Bình Chánh… thì qua cầu Phú Mỹ để vào Vành đai 2 rồi lên cao tốc tại nút giao vành đai 2 với cao tốc.

Theo ông Quang, các loại ô tô được phép lưu thông 120 km/giờ khi đi trên cao tốc Long Thành. Do vậy, việc đưa vào khai thác toàn bộ 55 km đường cao tốc sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi các vùng lân cận TP.HCM. Cụ thể, từ TP.HCM đi Long Thành (Đồng Nai) và ngược lại hiện có khoảng cách 45 km, cần 60 phút ô tô. Nhưng khi đi cao tốc sẽ rút ngắn còn 22 km, chỉ cần 20 phút.

Quãng đường từ TP.HCM đi Vũng Tàu và ngược lại cũng được rút ngắn đáng kể (từ 120 km/150 phút đi xe xuống còn 95 km/80 phút). Tương tự, từ TP.HCM đi ngã ba Dầu Giây (để đi tiếp các tỉnh miền Trung hoặc khu vực Tây Nguyên) theo lộ trình hiện nay dài 70 km, mất khoảng 180 phút do quốc lộ 1 thường xuyên ùn ứ. Nhưng đi theo tuyến cao tốc, quãng đường được rút ngắn 20 km và chỉ mất hơn 60 phút, giảm được 20%-30% chi phí vận tải.

“Việc thông toàn tuyến cao tốc Long Thành sẽ góp phần đẩy mạnh giao thương giữa TP.HCM và các vùng lân cận, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh trong khu vực” - ông Quang nhận xét.

Dự án đường cao tốc Long Thành dài 55 km, giai đoạn 1 được xây dựng bốn làn xe và hai làn dừng khẩn cấp với tổng mức đầu tư khoảng 20.630 tỉ đồng. Trong quá trình thi công, dự án được điều chỉnh một vài hạng mục, qua đó giúp giảm chi phí xây dựng khoảng 2.000 tỉ đồng.

Dự án chia làm hai đoạn, trong đó đoạn An Phú - Vành đai 2 (từ quận 2 đến quận 9, TP.HCM) có tốc độ thiết kế 100 km/giờ và đoạn cao tốc (Vành đai 2 - Long Thành - Dầu Giây) có vận tốc thiết kế 120 km/giờ. Từ tháng 1-2014, đoạn từ Vành đai 2 đến quốc lộ 51 (dài 20 km) đã được khai thác, giúp rút ngắn thời gian đi Đồng Nai, Vũng Tàu, giảm ách tắc và tai nạn giao thông cho cửa ngõ TP.HCM, quốc lộ 20 và quốc lộ 1A. Đến nay đoạn đường này đã tải khoảng 5 triệu lượt xe lưu thông an toàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm