Thông tin mới vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường: Sẽ làm rõ nguyên nhân cái chết của chị Huyền

Chiều qua (5-8), tại cuộc họp báo do Thành ủy Hà Nội tổ chức, Công an TP Hà Nội công bố thông tin mới về hai vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường và buôn bán trẻ sơ sinh tại chùa Bồ Đề. Theo đó, thi thể chị Huyền - nạn nhân trong vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường đã được tìm thấy và xác định ADN. Đối với vụ buôn bán trẻ sơ sinh, cơ quan điều tra khởi tố vụ án, bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Thanh Trang, Phạm Thị Nguyệt và mời một số đối tượng khác để làm rõ.

Làm rõ nguyên nhân cái chết của chị Huyền

Thượng tá Võ Hồng Phương, Phó phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an TP Hà Nội, cho biết: Vụ án xảy ra ngày 19-10-2013. Sau quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố bị can Nguyễn Mạnh Tường (nguyên giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường) về tội danh vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh và xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt; bị can Đào Quang Khánh tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt và trộm cắp. Do không tìm thấy xác nạn nhân nên quá trình điều tra, xét xử gặp không ít tranh cãi, nhất là việc xác định tội danh bị can Tường.

Đến ngày 18-7, xác một phụ nữ nghi là chị Huyền đã được phát hiện tại huyện Gia Lâm (Hà Nội). Qua phân tích ADN từ mẫu xương thi thể, niêm mạc và mẫu tóc của người thân chị Huyền, cơ quan giám định xác định thi thể trên là chị Huyền.

Họp báo vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường và mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Đại tá Nguyễn Văn Viễn, Chánh Văn phòng Công an TP Hà Nội, cho biết: Cơ quan điều tra chỉ mới nhận kết quả giám định ADN, đang chờ kết luận pháp y xác định khi ném xác xuống sông nạn nhân còn sống hay đã chết. “Do vụ án xảy ra gần một năm, xác chị Huyền bị phân hủy mạnh nên mới xác định ADN. Nguyên nhân chết của chị Huyền - căn cứ để xác định tội danh của bị can Tường đang được làm rõ” - Đại tá Viễn nói.

Về việc xác nạn nhân có bê tông trong ống quần như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Đại tá Viễn cho biết: “Chúng tôi chưa thể khẳng định có hay không bê tông trong thi thể được tìm thấy. Ngoài ra, các mảnh thi thể không đầy đủ, chúng tôi chưa thể kết luận được có phải do bị cắt thành từng mảnh hay không”.

Hé lộ đường dây mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề

Về vụ mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề, Thượng tá Vũ Thái Hưng, Phó phòng PC45, cho biết: Cơ quan công an xác định có dấu hiệu hành vi mua bán trẻ em.

Qua điều tra, bé Cù Nguyên Công (sinh tháng 10-2013) là con của Trần Thị Thu H. Sau khi có con, H. mang con đến chùa Bồ Đề nhờ nuôi dưỡng. Tại đây, sư trụ trì Thích Đàm Lan đã hướng dẫn H. gặp Trang là người quản lý nhà mở - nơi trông trẻ của chùa Bồ Đề. Trang hướng dẫn H. làm thủ tục gửi trẻ. Tuần sau, anh Nguyễn Thành Long đến chùa Bồ Đề làm từ thiện đã nhận bé làm con đỡ đầu và đặt tên là Cù Nguyên Công. Tuy nhiên, ngày 5-1, đến chùa không thấy cháu nên anh Long làm đơn tố cáo.

Theo cơ quan điều tra, cách đây một năm Phạm Thị Nguyệt đã nhờ Trang tìm đứa trẻ khỏe mạnh để nhận làm con nuôi.

Giữa tháng 12-2013, Trang nói với H. là có người bà con muốn nhận cháu về làm con nuôi và nhờ người quen giả làm chị dâu Trang, gặp H. nói chuyện. Sau khi chấp nhận cho con, Trang chuyển cho H. 10 triệu đồng. Ngay sau đó Trang yêu cầu Nguyệt chi 40 triệu đồng. Nguyệt chấp thuận và chuẩn bị trước 35 triệu đồng.

Ngày 2-1, tại nhà mẹ Trang, Nguyệt nhận bé Công và cùng Trang đưa cháu đi xét nghiệm HIV, rồi giao tiền như đã thỏa thuận. Sau đó bé Công được Nguyệt đưa về quê ở Ninh Bình làm giấy khai sinh với tên Phạm Gia Bảo. Cuối tháng 6, bé Công bị bệnh được đưa vào BV Nhi Trung ương điều trị và tử vong vào ngày 27-6.

Qua điều tra, công an thu giữ tại nơi ở của Nguyệt nhiều giấy tờ (giấy khai sinh nhiều cháu bé không phải là con đẻ của Nguyệt) có dấu hiệu làm giả để hợp thức hóa nguồn gốc các cháu bé mà Nguyệt đang nuôi. Ngoài ra, Nguyệt đang nuôi hai cháu khoảng hai tuổi không phải con ruột.

Cũng theo Thượng tá Hưng, chùa Bồ Đề hiện nuôi 106 trẻ độ tuổi từ một tháng tuổi đến 18 tuổi. Việc tiếp nhận, nuôi trẻ em tại chùa Bồ Đề không được cơ quan chức năng cấp phép, việc quản lý sổ sách và các thủ tục nhận trẻ em vào chùa và trả lại trẻ cho gia đình tương đối lỏng lẻo. 

Về trách nhiệm của sư Thích Đàm Lan - trụ trì chùa Bồ Đề, Thượng tá Hưng cho biết: “Hiện chưa đủ tài liệu xác định sư trụ trì có liên quan trực tiếp đến vụ mua bán cháu Công hay không. Tuy nhiên, sư Thích Đàm Lan là đối tượng điều tra và trách nhiệm ở mức độ nào thì phải làm rõ”. Ngoài trường hợp cháu Công, PC45 còn nhận được đơn tố giác đối với chín trường hợp khác và đang khẩn trương xác minh.

TRỌNG PHÚ

Theo TS Nguyễn Duy Hưng, Trưởng khoa Luật ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương, nếu cơ quan điều tra xác định nạn nhân còn sống trước khi bị ném xác phi tang thì ngoài tội vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, bị can Tường còn bị khởi tố tội giết người.

Lý giải, TS Hưng nói: “Khi đang mổ, nhận thấy tình trạng bệnh nhân nguy hiểm, về nguyên tắc bị can phải đưa bệnh nhân đi cấp cứu nhưng lại có hành vi ném xác phi tang, động cơ là tước đoạt mạng sống của bệnh nhân với mục đích là che giấu hành vi phạm tội khác. Với những yếu tố này đã đủ cơ sở cấu thành tội giết người đối với Nguyễn Mạnh Tường”.

Tương tự, TS Phan Anh Tuấn - Trưởng bộ môn Luật hình sự (ĐH Luật TP.HCM) phân tích nếu xác định nạn nhân chết sau khi bị ném xuống sông thì cũng có hai khả năng xảy ra. Thứ nhất, bị cáo nhận thức được nạn nhân còn sống mà vẫn ném xuống sông thì Tường có dấu hiệu phạm tội giết người.

Thứ hai, Tường không nhận thức được nạn nhân còn sống mà cho rằng nạn nhân đã chết nên ném xuống sông để phi tang, che giấu hành vi phạm tội vi phạm quy định về dịch vụ y tế. Đây là trường hợp sai lầm về khách thể, nghĩa là Tường không có ý định xâm phạm tính mạng của nạn nhân nhưng thực tế lại xâm phạm. Trong trường hợp này Tường có dấu hiệu phạm tội vi phạm quy định về dịch vụ y tế khác và tội vô ý làm chết người.

PHAN THƯƠNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm