Thống nhất non sông: Nền tảng của phồn vinh, hạnh phúc

“Ý nghĩa của ngày thống nhất đất nước 30-4-1975 ngoài giá trị về quân sự, về thống nhất đất nước thì còn có ý nghĩa quan trọng về kinh tế và văn hóa”, PGS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn về kinh tế của Thủ tướng, nói với Pháp Luật TP HCM nhân ngày trọng đại này.

Nền tảng của đồng thuận, thống nhất ý chí

.Phóng viên: Thưa ông, sau khi thống nhất đất nước, chúng ta đã có những giai đoạn then chốt, bản lề và cả cơ hội cho sự phát triển.

+ PGS Trần Đình Thiên: Đúng là như vậy! Và giai đoạn quan trọng nhất là 1975-1986. Tôi cho đó là giai đoạn then chốt vì đó là giai đoạn “vật lộn” quyết liệt giữa một bên là hệ thống kinh tế kế hoạch hóa tập trung áp đặt lên miền Nam, còn một bên là kinh tế thị trường từ miền Nam xâm nhập ra miền Bắc.

Đó thực sự là một cuộc “đấu” để giành quyền tồn tại, cũng khốc liệt và vô cùng gian khổ và kết cục là cuộc khủng hoảng gay gắt những năm 1984-1986.

Trong 10 năm đó, kinh tế thị trường bị “truy đuổi”, dồn ép nhưng từng bước được khẳng định. Mười năm gian khổ tạo tiền đề cho công cuộc cải cách kinh tế sâu sắc và toàn diện với những cú đột phá như “Kế hoạch ba phần” ở Long An, “xé rào lương thực” ở TP HCM, lan ra miền Bắc với “khoán sản phẩm trong nông nghiệp” Hải Phòng rồi sau đó, mở rộng ra cả nước.

Điểm bùng nổ khẳng định là Đại hội Đảng lần thứ VI với việc đường lối chấp nhận một nền “kinh tế nhiều thành phần”, thực chất là thừa nhận kinh tế tư nhân. Nền kinh tế nhanh chóng thoát khỏi lạm phát và tình trạng khủng hoảng một cách thần kỳ.  

Việc khẳng định xu thế tất yếu như vậy là một bước ngoặt, tôi coi là vĩ đại bậc nhất trong lịch sử phát triển kinh tế của dân tộc Việt Nam.

. Như ông nói thì sự thống nhất đâu chỉ nằm ở phương diện địa lý?

+ Ý nghĩa của 1975 ngoài giá trị về quân sự, về thống nhất đất nước thì còn có ý nghĩa quan trọng về kinh tế như tôi nói ở trên. Sự thống nhất, “non sông thu về một mối” là nền tảng để nối liền cả lòng người, cả các xu hướng phát triển về kinh tế và sự hòa hợp văn hóa.

PGS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn về kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: C.LUẬN

Nhưng từ “non sông thu về một mối” thì còn nhiều việc phải làm, phải tiến đến “nhân tâm thu về một mối”, là đồng thuận dân tộc - quốc gia một tầm nhìn, một ý chí; là hội tụ nguồn lực, tập trung năng lực và trí tuệ.

Nền tảng đã được xác lập nhưng phát triển là một công cuộc khó khăn, nhất là trong bối cảnh quốc tế và thời đại hiện nay.

. Nhiều lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các chuyên gia, kể cả ông cũng hay nói rằng “trong nguy có cơ”.

+ Tôi muốn nhấn mạnh - trong lúc này, ta cần dành năng lực phát triển quốc gia cho ưu tiên cao nhất là xây dựng và phát triển một nền văn hóa chính trị đề cao dân chủ, trọng dụng hiền tài, khuyến khích và bảo vệ những người dám đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám sáng tạo đổi mới…  như văn kiện Đại hội Đảng XIII đề cập và Thủ tướng mới khẳng định gần đây.

Làm được điều đó thì mục tiêu phát triển cao cả mà dân tộc ta hướng tới – đất nước độc lập - hùng cường, dân tộc tự do - thịnh vượng, người dân giàu có - hạnh phúc – sẽ sớm trở thành hiện thực.

. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như nhiều lãnh đạo của Đảng, Nhà nước gần đây luôn khẳng định “chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế… như ngày hôm nay”…

+ Đúng là như vậy. Đất nước ta đang có một cơ đồ chưa hề có trước đây. Đặc biệt, những bước tiến gần đây càng có ý nghĩa khẳng định nhận định đó. Thế hệ đi sau đang tiếp bước cha ông và nâng cao giá trị quốc gia.  

Tuy nhiên, tôi vẫn thấy bị dằn vặt bởi một vấn đề. Đúng là giai đoạn sau hơn giai đoạn trước. Nhưng “cơ đồ ấy đã đáp ứng được sứ mệnh mà đất nước giao phó – Việt Nam đã “sánh vai với các cường quốc” như mong ước của Bác Hồ, đã thoát khỏi nguy cơ tụt hậu phát triển, đã tránh được chèn ép và lệ thuộc phát triển hay chưa?

Hành động mạnh mẽ để đất nước phồn vinh, hạnh phúc

. Nhưng rõ ràng, nếu định lượng thì quy mô kinh tế, thu nhập quốc dân, các chỉ số phát triển của Việt Nam cũng tăng đều và tiệm cận với những gì thế giới hướng đến.

+ Thành tựu sau 46 năm thống nhất không chỉ là những gì chúng ta định lượng như: GDP tăng gấp mấy chục lần, tỷ lệ đói nghèo thu hẹp một cách ngoạn mục, thu nhập nhân dân được cải thiện rõ rệt, … Phải nhận diện thành tựu cả ở những khía cạnh khác – sự thay đổi phương thức phát triển, năng lực làm chủ của người dân, tư thế quốc gia trong một thế giới toàn cầu hóa, năng lực nhảy vọt vào cuộc đua cách mạng công nghệ 4.0.

Đánh giá các chỉ tiêu này, chúng ta sẽ có một niềm tự hào, đồng thời nhận diện được những thách thức rõ hơn, thực hơn…

. Sự phát triển ấy theo ông, trong tương lai sẽ được cổ vũ và khuyến khích như thế nào?

+ Mới đây nhất chúng ta thấy Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan, bộ, ngành phải chú ý lắng nghe các ý kiến, nhất là các ý kiến phản biện.

Tuy điều này không mới, song nó rất có ý nghĩa tại thời điểm hiện nay. Quan tâm đến các ý kiến phản biện chính là việc quan tâm đến nguyện vọng bày tỏ ý kiến chính đáng của người dân. Bác Hồ từng nói: “Dân chủ là để người dân mở miệng ra” mà.

Lắng nghe các ý kiến phản biện sẽ khiến cho công khai, minh bạch được thúc đẩy tốt hơn từ cả hai phía - trách nhiệm của nhà nước và sự tự do bày tỏ ý kiến của công dân, của xã hội. Bởi khi thúc đẩy công khai, minh bạch thì thông tin từ nhà nước đưa ra phải đầy đủ, trách nhiệm hơn và ý kiến của công dân cũng vì thế mà toàn diện hơn, có cơ sở hơn.

Nếu không có thông tin chính thống, đầy đủ, công khai thì những khuyết tật của phản biện do không đủ thông tin sẽ gây ra sự khiếm khuyết trong văn hóa mạng, đồng thời ảnh hưởng tới cấu trúc văn hóa xã hội.

. Như ông nói thì công khai và minh bạch thì sẽ thúc đẩy phát triển?

+ Tôi tin không chỉ mình tôi cho là như thế, vì định hướng của Đảng và Nhà nước vẫn luôn là “gần dân, trọng dân”. Mà gần dân và trọng dân thì biểu hiện sinh động đầu tiên phải là công khai, minh bạch, để thể hiện sự tôn trọng nhân dân, tôn trọng công luận, kể cả những ý kiến trái chiều.

Phải có cách thức để giải thích và thuyết phục người dân. Lấy đô thị hóa làm ví dụ. Xã hội cần được giải thích rõ ràng về chuyện “đánh đổi” trong phát triển. Có những thứ phải đánh đổi nhưng quan trọng hơn cả là phải làm rõ kết quả mang lại là gì. Không rõ điều này sẽ gây xung đột, gây tổn hại cơ chế, chính sách vô cùng ghê gớm. Tiến hành đô thị hóa và phát triển hạ tầng quốc gia, không thể không để ý những vấn đề này.

. Sự thật thì từ Đại hội Đảng lần thứ XIII đến nay, "khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” luôn được nhắc lại và đưa vào Nghị quyết. Sức mạnh tinh thần phải chăng là một bệ đỡ?

+ Chúng ta không chỉ cần “khát vọng” mà còn phải hành động một cách quyết liệt, giống như công cuộc thống nhất đất nước. Căn cốt của ta bây giờ đã mạnh lên nhiều nhưng so với thế giới thì hãy còn nhiều non yếu. Nếu kinh tế tư nhân tốt lên thì dân trí sẽ tăng lên và cấu trúc xã hội sẽ thay đổi.

Mỗi bước thay đổi phải được thể hiện trong thể chế. Và tôi tin rằng khi mà “thể chế, thể chế và thể chế” không còn là khẩu hiệu mà là hành động thì “khát vọng” ấy mới có nhiều cơ hội thành hiện thực khi nó được định lượng cách cụ thể. Chỉ như thế chúng ta mới “biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động trong thực tế, thành của cải, vật chât, mang lại sự giàu có, hạnh phúc cho nhân dân” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói hôm bế mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII.

. Xin cảm ơn ông!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm