Thời đại 4.0 không thể cấm bán rượu trên Internet

Sáng 12-4, tiếp tục phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Đáng chú ý, một số đề xuất trong dự thảo luật chưa nhận được sự đồng thuận cao từ các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cấm quảng cáo rượu bia trên 15 độ cồn

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay thường trực ủy ban này đề nghị giữ nguyên các quy định cấm quảng cáo rượu bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức và hạn chế quảng cáo sản phẩm rượu bia dưới 15 độ cồn. Dự thảo quy định các biện pháp quản lý quảng cáo rượu bia tương ứng ba mức độ cồn: Trên 15 độ, từ 5,5 độ cồn đến dưới 15 độ cồn và dưới 5,5 độ cồn.

“Rượu hay bia chứa cồn là chất gây nghiện, có ảnh hưởng đến sức khỏe tùy theo mức độ cồn được đưa vào cơ thể. Quản lý quảng cáo rượu bia theo độ cồn là cần thiết” - bà Thúy Anh nói.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Hà Ngọc Chiến phân tích dưới 15 độ chỉ có bia và rượu vang, còn rượu trắng và rượu Tây toàn 45 độ. Cho rằng quy định trên là sự đối xử không công bằng, ông Chiến giải thích: “Cấm quảng cáo rượu bia trên 15 độ dưới mọi hình thức thì thực tế các ông rượu trắng và rượu Tây bị bắn ra ngoài hết, chỉ còn ông bia và rượu vang được quảng cáo. Đưa vào khung như thế là phân biệt đối xử, rõ ràng như thế là vi phạm”.

Tương tự, theo dự thảo, chỉ được khuyến mãi, tài trợ sản phẩm rượu bia từ 15 độ cồn trở lên, như vậy chỉ rượu vang và bia được khuyến mãi… “Đề nghị quy định về bia riêng và rượu riêng” - ông Chiến đề nghị.

Phát biểu sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định băn khoăn dự thảo quy định không quảng cáo rượu bia trong khung thời gian 19-21 giờ trên các báo hình, báo nói nhưng hiện nay, bóng đá thế giới quảng cáo bia rượu ngay trên áo các cầu thủ rất nhiều.

“Nhiều hãng rượu bia tài trợ cho các đội bóng quốc tế lớn mà quy định cấm thì làm sao người hâm mộ xem được trận cầu lớn của Barcelona, Manchester United...?” - ông Định dẫn chứng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý việc cấm quảng cáo cũng phải phù hợp với Luật Quảng cáo, Luật Thương mại và đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu. Ảnh: TTXVN

Khó cấm bán rượu trên mạng

Một vấn đề khác còn ý kiến khác nhau liên quan đến quy định cấm bán rượu bia trên mạng Internet. Theo thường trực cơ quan thẩm tra, do Internet là giải pháp giúp hoạt động kinh doanh, mua sắm đơn giản, thuận tiện. Tiếp thu một phần ý kiến của đại biểu, dự thảo luật quy định cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trở lên trên mạng Internet và quy định điều kiện bán rượu bia dưới 15 độ cồn trên Internet.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định bán hàng trên Internet chỉ là một phương thức kinh doanh. Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay lại cấm bán trên Internet là không hợp lý, cần phải cân nhắc. “Nếu cấm thì phải cấm tất cả mới công bằng” - ông Hiển nói.

Một vị Phó Chủ tịch Quốc hội khác, bà Tòng Thị Phóng bày tỏ sự lo lắng “sẽ bị lạc hậu so với thời cuộc” khi trong thời đại công nghiệp 4.0 lại hạn chế bán hàng trên Internet. Bà Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không quy định điều này vào dự thảo luật.

Đồng ý về sự cần thiết ban hành luật này, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra rà soát lại, đảm bảo khả thi, không mâu thuẫn với các luật đang thi hành. Bà Ngân cũng lưu ý luật này khi ban hành đừng làm ảnh hưởng đến rượu thủ công truyền thống, “đừng như dự thảo sản xuất nước mắm”.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ tác động rất lớn đến sức khỏe của cộng đồng, đến hành vi tiêu dùng của một bộ phận xã hội, đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất rượu bia... Vì vậy, dự luật sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy tới đây (tháng 5-2019). Nếu dự luật đạt được mục tiêu, khả thi, Quốc hội sẽ xem xét thông qua, còn chưa đạt thì lùi lại kỳ họp sau.

Rượu Làng Vân, Bàu Đá, Gò Đen rất ngon, sao lại cấm sản xuất?

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay có ý kiến đề nghị phải chấm dứt việc sản xuất rượu thủ công với mục đích kinh doanh. Tuy nhiên, thường trực ủy ban này thấy rằng quy định chấm dứt việc sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh trong điều kiện hiện nay là chưa hợp lý và khó khả thi, bởi có thể ảnh hưởng theo hướng tiêu cực đến người dân và những làng nghề sản xuất rượu thủ công truyền thống.

Đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nói: “Nhiều loại rượu thủ công với bí quyết gia truyền có chất lượng rất ngon. Vả lại rượu thủ công còn là bí quyết công nghệ của người dân, dòng họ từ nhiều đời, nhiều năm nay, sao lại cấm? Có cấm là cấm sản phẩm làm bậy, có chất độc gây mất an toàn cho người sử dụng”.

“Rượu truyền thống thường ngon hơn rượu công nghiệp. Như rượu thủ công ở Làng Vân, Bàu Đá, Gò Đen, Gò Công... rất ngon, sao lại cấm” - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nêu quan điểm. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy