74 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (19-8-1945 – 19-8-2019)

Thổi bùng sức mạnh tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc

Nhà lão thành cách mạng Nguyễn Văn Nguyễn (*) đã viết về cuộc Cách mạng Tháng Tám (CMT8): “Dưới cảnh trời lộng mây, làn sóng triệu triệu người cuồn cuộn chảy vào đô thị. Chiến tranh vừa kết thúc. Nhân loại thở một hồi dài. Người nô lệ đi ra đường. Cỏ cây đất nước được giải phóng. Một tác phẩm xuất hiện. Không phải công trình vô vi của anh hùng cô độc. Một tác phẩm của nhân dân, làm bằng máu thịt của nhân dân, anh hùng là nhân dân. Ấy là CMT8!”.

Lớp lớp người yêu nước ngã xuống cho độc lập - tự do

Hơn 80 năm nô lệ, biết bao thế hệ người Việt Nam (VN) yêu nước đã “nếm mật nằm gai”, hy sinh đến hơi thở cuối cùng trên hành trình giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Những bước chân, máu và nước mắt của các vị anh hùng tiết liệt từ đức Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng, Trương Định, Nguyễn Trung Trực… đã thấm đẫm mảnh đất VN. Những tiếng hô “VN vạn tuế” và những cái chết oanh liệt của các anh hùng khởi nghĩa Yên Bái năm nào; những cái chết hiên ngang, bất khuất của những người cộng sản tại Ngã ba Giồng (Hóc Môn)… đã thức tỉnh và làm lay động tâm can từng người con đất Việt. Những khổ đau, mất mát chất chồng, trong đó có cái chết của gần 2 triệu người trong nạn đói cuối năm 1944, đầu năm 1945 đã góp phần làm cho nỗi chất chứa hờn căm trong mỗi người Việt chỉ chờ dịp là bùng lên dữ dội.

Cuộc CMT8 vĩ đại là kết quả, kết tinh của tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc. Tinh thần yêu nước, đại đoàn kết dân tộc ấy đã được nuôi dưỡng, hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Trong máu, trong tim mỗi người VN chân chính luôn chảy dòng máu yêu nước của cha ông ngàn đời truyền lại. Tinh thần yêu nước, nghĩa đồng bào, lòng nhân ái, bao dung của người Việt đã vượt lên tất cả và được thể hiện rõ nét nhất trong những ngày CMT8 sục sôi ấy.

Vị Khâm sai đại thần Bắc bộ Phan Kế Toại trước khi rời nhiệm sở đã căn dặn cấp dưới tuyệt đối không được chống cự và nổ súng mà phải giao lại quyền cho nhân dân. Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim đã không sử dụng võ lực để chống lại ước nguyện và khát vọng độc lập của nhân dân. Nhà vua Bảo Đại đã thức thời thoái vị để tránh cảnh nồi da xáo thịt, chém giết lẫn nhau, tuyên bố nổi tiếng: “Trẫm muốn được làm dân một nước tự do hơn làm vua một nước nô lệ”.

Tầng tầng lớp lớp những quan lại của triều đình, những nhân sĩ trí thức nổi tiếng, những đại điền chủ cho đến mỗi người dân thường đều tham gia đầy trách nhiệm trong không khí sục sôi của cách mạng và họ xem đó là công việc, là nghĩa vụ, trách nhiệm của mình.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cùng những nhà lãnh đạo của Việt Minh đã thật sự trở thành ngọn cờ, trở thành những hình mẫu tiêu biểu mà quốc dân nhìn vào đó để tin tưởng, phó thác và đi theo. Nhiều gia đình giàu có đã ủng hộ rất lớn cho cách mạng mà không đòi hỏi một tờ giấy chứng minh, bởi họ luôn nghĩ rằng đã giao cho Việt Minh là tin tưởng phó thác, gửi gắm của mình được dùng đúng nơi, đúng chỗ. Lòng yêu nước của người dân Việt trong cái “buổi đầu dân quốc ấy” đẹp tinh khôi, sáng trong như ngọc. Chính sức mạnh vĩ đại của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, chính lòng yêu nước thiết tha, cháy bỏng, hồn nhiên, trong sáng, tinh khôi của những người dân Việt bất kể xuất thân, bất kể thành phần giai cấp, bất kể tôn giáo mùa thu tháng 8 là động lực thúc đẩy cuộc cách mạng thành công nhanh chóng và ít nhất sự mất mát, hy sinh.

Sáng 19-8-1945, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường đã về quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội dự cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng hưởng ứng cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền.  Ảnh: TL

Đoàn kết lòng dân là “vũ khí” mạnh nhất

74 năm sau ngày mùa thu lịch sử ấy, đất nước và dân tộc đã vượt qua bao thăng trầm, biến động to lớn và tiến những bước dài trên con đường vạn dặm. Sau 74 năm ấy, vị thế của đất nước ta, dân tộc VN trên trường quốc tế ngày một vững chắc, lớn mạnh hơn. Thế nhưng vẫn còn đó rất nhiều những ước vọng cháy bỏng của lớp cha anh mùa thu tháng 8-1945 vẫn chưa trở thành hiện thực.

Đi trên đường ray cao tốc của thế kỷ 21, đất nước đang đứng trước những thử thách khắc nghiệt của thù trong, giặc ngoài. Tham nhũng đang hằng ngày, hằng giờ đục khoét, gây ra biết bao nhiêu tổn thất cho đất nước và bào mòn niềm tin của nhân dân. Ngoài biển Đông, ngoại bang vẫn đang lăm le, rình rập, xâm phạm chủ quyền của Tổ quốc.

Dưới sự lãnh đạo và quyết tâm của Đảng cùng sự đồng lòng, nhất trí của nhân dân, giặc “nội xâm” - tham nhũng đã bị tấn công liên tục. Với chủ trương “không có vùng cấm trong phòng, chống tham nhũng”, nhiều đường dây tham nhũng lớn đã được phát hiện và lôi ra ánh sáng; nhiều cán bộ, thậm chí là cán bộ cấp cao phạm tội bị đưa ra xét xử, góp phần làm trong sạch cho bộ máy của Đảng, Nhà nước; gìn giữ, củng cố thêm uy tín của Đảng trong lòng dân. Sức nóng của cuộc chiến ấy cần phải tiếp tục đẩy mạnh như tinh thần chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương mới đây (ngày 26-7): “Phải kiên trì, thường xuyên, liên tục với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, đạt được nhiều kết quả hơn nữa”. Cuộc chiến ấy phải tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa ở mọi cấp; kiên quyết loại khỏi bộ máy, trong đó có các cơ quan phòng, chống tham nhũng, những cán bộ hư hỏng, tham nhũng.

Trong công cuộc bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc, cùng với việc chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang trên các mặt còn cần phải củng cố thế trận lòng dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bởi lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc hàng ngàn năm qua đã chứng minh rằng: Sức mạnh vĩ đại nhất chính là lòng dân chứ không phải thành cao hào sâu. Chỉ có đại đoàn kết toàn dân tộc mới phát huy được sức mạnh vĩ đại toàn dân tộc. Chỉ có sức mạnh vĩ đại của toàn dân tộc mới giúp cho dân tộc chúng ta có thể đương đầu với kẻ thù dù họ mạnh hơn nhiều lần.

Trong bối cảnh đất nước hiện nay, chúng ta đang rất cần thổi bùng lên tinh thần và sức mạnh vĩ đại của dân tộc. Để có được ngọn lửa ấy cần thổi bùng lên không khí cách mạng sục sôi của những ngày tháng 8 mùa thu lịch sử 1945.

Để có giang sơn gấm vóc VN hôm nay, đã có biết bao lớp người ngã xuống cho đất nước được đứng lên. Tinh thần yêu nước chảy trong huyết quản mỗi người con đất Việt mà cha ông truyền lại đang thúc giục mỗi chúng ta. Tinh thần của CMT8, những bài học nóng hổi của CMT8 năm 1945 đang nhắc nhở chúng ta về điều ấy.

Tháng 8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Từ ngày 14 đến 18-8-1945, tổng khởi nghĩa nổ ra và giành thắng lợi ở vùng nông thôn đồng bằng miền Bắc, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và các thị xã Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam...

Sáng 19-8-1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Từ thủ đô, làn sóng cách mạng tỏa đi khắp cả nước và liên tiếp giành thắng lợi. Ngày 19-8-1945 đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc VN như một mốc son chói lọi - CMT8 thành công, nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á được thành lập, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

Nhà nước VN Dân chủ cộng hòa sau khi ra đời (2-9-1945) đã ngay lập tức bắt tay vào giải quyết những việc cấp bách lúc bấy giờ đó là chống giặc đói, giặc dốt, xây dựng chính thể, soạn thảo và ban hành hiến pháp dân chủ, tổng tuyển cử tự do bầu ra Quốc hội, xây dựng đời sống văn hóa mới, cải tạo những tàn tích mà chế độ thực dân, phong kiến để lại. Cùng với đó, Nhà nước VN Dân chủ cộng hòa được lập ra sau CMT8 đã thực thi rất nhiều chính sách tiến bộ với tầm tư duy vượt thời đại như đoàn kết và không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng; thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo, hòa bình, hữu nghị; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc vì lợi ích chung... 

___________________________

(*)  Ủy viên ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ, đã mất năm 1953.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm