Thiếu “thuốc đề kháng” cho cầu thủ

Có cầu thủ được xem là trung vệ đầy tiềm năng với thể hình cực đẹp và lối đá rắn rỏi từng khiến các tiền đạo Thái Lan, Malaysia ngán ngại. Có cầu thủ vừa nổi lên ở đội trẻ rồi lên đội Olympic, lên luôn đội tuyển nhờ thi đấu thật ấn tượng với những cú thoát biên tốc độ… Họ mạnh mẽ bao nhiêu trên sân bóng thì trước vành móng ngựa lại thu mình và sợ hãi bấy nhiêu.

Phiên tòa liên quan đến chín cầu thủ The Vissai Ninh Bình làm độ sáng qua không mới. Bởi về bản chất nó không khác với phiên tòa các cầu thủ Hải quan bán độ năm 1997 hay vụ hơn nửa đội hình U-23 Việt Nam bán độ ở SEA Games 2005 tại Bacolod, Philippines. Sắp tới sẽ lại là một phiên tòa cầu thủ bán độ nữa liên quan các cầu thủ Đồng Nai làm độ tại V-League.

Phát biểu trên Đài Tiếng nói Việt Nam ngay sau phiên tòa, một nhà báo tham dự đủ cả ba phiên tòa 1997, 2005 và 2014 đã đặt ra câu hỏi: “Còn bao nhiêu cầu thủ chơi độ và làm độ nhưng chưa phải đứng trước vành móng ngựa như những cầu thủ này?”. Câu hỏi trên cũng trùng với nhận định của ông Chủ tịch LĐBĐ VN Lê Hùng Dũng khi nói rằng không chỉ có các cầu thủ The Vissai Ninh Bình, Đồng Nai mà còn nhiều cầu thủ ở nhiều CLB tham gia nhưng chưa bị cơ quan điều tra sờ đến.

Ma lực nào đã đưa các cầu thủ nhận lót tay tiền tỉ và lương tháng vài chục triệu đồng, có cuộc sống dư dả nhưng lại cứ lao vào việc kiếm tiền đen từ những canh bạc như thế?

Nghe những lời thú nhận của các cầu thủ tại phiên tòa về hành vi phạm tội của mình thật xót xa. Người thì để giúp gia đình; người thì lấy 85 triệu đồng bất chính để đi xin việc làm cho vợ; người thì thấy bạn rủ và dễ quá nên cũng “góp vốn” chơi để được chia lãi… Nó cũng giống các cầu thủ U-23 năm 2005 thản nhiên khi đứng trước tòa và nói: “Dạ, bị cáo bán độ vì thấy có thêm tiền mà đội vẫn thắng và vẫn vào bán kết chứ đâu có thua!”. Hay vụ án năm 1997, các cầu thủ Hải quan vẫn “ngây thơ”: “Bị cáo thấy các HLV bắt tay nhau và bị cáo chỉ làm mỗi một việc là thông báo kết quả đã định trước của các HLV cho giới cá cược đánh rồi chia tiền cho bị cáo…”.

Sau một phiên tòa là những bản án dành cho các cầu thủ nhưng với bóng đá Việt Nam thì còn một “bản án” đeo đuổi những người làm công tác quản lý và điều hành bóng đá. Những người chỉ chăm chút cho đôi chân cầu thủ từ khi còn ở năng khiếu chứ rất ít ai chịu chăm chút cho kỹ năng sống của cầu thủ khi bước vào môi trường bóng đá. Nó cũng giống hồi năm 2005 khi thấy Văn Quyến, Quốc Vượng… đứng trước vành móng ngựa thì nhiều người lại than thở giá mà trước đó ở JVC Cup 2003 và SEA Games 22-2003, “cả làng” đừng lơ đi những lỗi lầm của thằng bé để rồi ra nông nỗi này…

Cầu thủ vẫn cứ ra tòa vì quanh họ có quá ít những liều “đề kháng” khi vào nghề lẫn vào đời…

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm