Thiếu tầm nhìn trong đề xuất thu phí xe máy

Chính sách từ phòng lạnh sẽ khó thành công

Thực tế việc một chủ trương vừa mới đưa ra đã bị phản ứng là khá phổ biến chứ không riêng gì quy định thu phí sử dụng đường bộ. Sau Bộ GTVT thì Bộ Tài chính cũng kiến nghị bỏ phí xe máy chứng tỏ xu hướng không thu đã thắng. Điều này chứng minh rằng những người đề ra chủ trương thu phí sử dụng đường bộ đã không tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thực tế.

Dường như những người đề xuất, hoạch định chủ trương này thiếu thực tiễn nhưng xem xét thực tế lại sơ sài. Họ chỉ nhìn một mục đích duy nhất là làm như thế sẽ thu được tiền để duy tu, bảo dưỡng đường bộ. Mục tiêu này không sai. Người đi đường thì phải đóng tiền để sửa đường cũng hợp lý. Thế nhưng những người hoạch định đã không tính toán được kịch bản: Nếu thu thì những gì sẽ xảy ra?

Việc trả lời câu hỏi đó nằm ngoài khả năng của các vị chỉ ngồi trong phòng lạnh. Muốn có đáp án, cần phải tham vấn ý kiến không chỉ riêng ngành giao thông mà cả những ngành liên quan như kinh tế, xã hội, công an và quan trọng nhất là ý kiến người dân. Từ việc tham vấn nghiêm túc, những nhà hoạch định mới đủ có cơ sở để lựa chọn xem chính sách mình đưa ra lợi ở chỗ nào, hại ở đâu rồi cân nhắc và lựa chọn.

Chủ trương thu phí xe máy một lần nữa cho thấy tác phong làm việc của các cơ quan chức năng là chủ quan, năng lực xử lý kém. Chủ trương chặt cây xanh ở Hà Nội hay thay đổi quy trình xét tuyển đại học khiến bao phụ huynh, thí sinh khổ sở cũng là những ví dụ điển hình.

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM

Thiếu tầm nhìn trong đề xuất thu phí xe máy ảnh 1

Người lao động nghèo mong bỏ phí xe máy để có thêm khoản tiền trang trải cuộc sống. Ảnh: HTD

Nôn nóng, chủ quan và xem nhẹ phản biện

Trên thế giới, nhiều nước lập quỹ bảo trì đường bộ dựa trên ý nghĩa, kết quả thực tế. Việt Nam lập quỹ này cũng là một xu thế hợp lý. Nhưng vì sao việc thu phí lại vấp nhiều ý kiến phản đối rồi có kiến nghị tạm dừng, bỏ thu?

Chủ trương, chính sách nào cũng chỉ thành công khi xuất phát và đáp ứng nguyện vọng số đông người dân. Câu chuyện “thất bại” thu phí xe máy xuất phát từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Khách quan đó là chuyện đường sá xuống cấp nhưng thiếu tiền sửa chữa. Thứ nữa, pháp luật chưa phân định rạch ròi giữa thuế, phí và lệ phí dễ dẫn đến phí chồng phí và lạm thu.

Chủ quan là các cán bộ, cơ quan tham mưu đã nôn nóng, không nghiên cứu chi tiết, kỹ lưỡng khi áp dụng mô hình ở nước ngoài vào Việt Nam. Ví dụ, nước ngoài hầu như không có xe máy, song Việt Nam thì hơn 90% là xe máy, trong khi ô tô mới làm hư đường (chưa kể chất lượng thiết kế, thi công và bảo trì đường sá có tồn tại). Nước ngoài thu rất công bằng, minh bạch. Xe càng nặng thu càng cao, quỹ còn bao gồm thuế xăng dầu, các loại phí khác như phí trước bạ, kiểm định, xe quá tải quá khổ… Các phân tích, phản biện đã được góp ý nhiều nhưng không được coi trọng là do nôn nóng, chủ quan.

Còn các địa phương thì cũng không lắng nghe tâm tư nguyện vọng người dân, không nhìn nhận tồn tại, thậm chí thất bại của việc thu phí xe máy và thực hiện cứng nhắc, khó hiểu. TP.HCM chậm thu phí xe máy nhất cả nước vì phát hiện nhiều bất cập nhưng đến nay vẫn triển khai thu.

TS PHẠM SANH, chuyên gia giao thông

“Chính phủ chỉ đạo dừng, TP.HCM sẽ ngưng thu”

“Quy định pháp luật thì phải chấp hành. Do đó TP.HCM vẫn tiếp tục thu phí xe máy. Tôi mong người dân TP chia sẻ”. Chiều 19-8, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về việc một số địa phương và bộ, ngành trung ương kiến nghị tạm dừng thu phí xe máy.

. Thưa ông, Bộ Tài chính vừa kiến nghị Chính phủ tạm dừng thu phí xe máy từ ngày 1-1-2016 và sửa nghị định để bỏ thu phí xe máy. Một số tỉnh, thành cũng đề nghị tương tự, vậy UBND TP có ngưng thu phí hay không?

+ Hiện TP.HCM vẫn tiếp tục thu phí theo Nghị định 18/2012. Việc này là chấp hành theo quy định pháp luật, cũng đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

. Thực tế nhiều người dân lao động nghèo mong bỏ phí xe máy để có thêm khoản tiền trang trải cuộc sống, thưa ông?

+ Quan điểm của TP.HCM là các hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo sẽ được miễn giảm phí này. Nhưng về quy định pháp luật thì TP cũng vận động người dân chấp hành. Có quận làm rất tốt việc thu phí xe máy như quận 9 đã thu được 50% số xe ở địa phương. Số tiền thu được sẽ để lại cho địa phương nâng cấp đường nội bộ trong quận, huyện… chứ đâu phải TP lấy chi vào việc khác.

Tôi nghĩ người dân nên chung tay đóng góp khoản phí mỗi người một ít. Đây là cách vừa tăng cường ý thức thượng tôn pháp luật, vừa góp phần cho an sinh phúc lợi ở địa phương mình đang sinh sống.

. Nhưng Bộ Tài chính đánh giá việc thu phí là khó khăn, không hiệu quả. UBND TP.HCM có kiến nghị với Chính phủ tạm dừng thu không, thưa ông?

+ Kỳ họp HĐND TP vừa rồi đã thông qua việc thu phí xe máy. Thường trực Thành ủy, UBND TP cũng đã xem xét kỹ và thống nhất vẫn thực hiện theo nghị định của Chính phủ. TP.HCM sẽ không kiến nghị tạm dừng, vì như tôi nói việc thu phí xe máy cũng là để người dân có ý thức chấp hành quy định pháp luật. Khi nào Chính phủ có chỉ đạo tạm dừng, TP.HCM sẽ ngưng thu phí.

UBND TP cũng đã đề nghị cán bộ, công chức phải làm gương, thực hiện nghiêm quy định về thu phí xe máy. Hiện công tác thu phí vẫn triển khai, các cơ quan đơn vị liên quan cũng đã và đang tuyên truyền, giải thích để người dân chia sẻ với TP.

. Xin cám ơn ông.

NGUYỄN ĐỨC thực hiện

Trả lời phóng viên về việc trước khi ban hành quy định thu phí đã có nhiều ý kiến trái chiều nhưng liên Bộ GTVT, Tài chính vẫn tham mưu, triển khai, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết khi quyết định hai bên đã lập luận rõ là việc thu phí là để các địa phương có thêm nguồn thu phục vụ duy tu cầu, đường ở địa phương. Với mong muốn trên, hai Bộ GTVT và Tài chính cho rằng thu phí là hợp lý. Ngoài ra, khi lấy ý kiến thì không có sự phản đối nhưng khi áp dụng đã gặp một số bất cập nên hai bộ kiến nghị tạm dừng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm