Thí sinh thở phào trong ngày thi THPT đầu tiên

Ngày 9-8, hơn 850.000 thí sinh (TS) trên cả nước đã kết thúc ngày thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Đây được xem là kỳ thi khá đặc biệt do kỳ thi chia làm hai đợt và TS thi trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Kết thúc ngày thi thứ nhất, đề thi môn ngữ văn và môn toán được TS, giáo viên đánh giá vừa sức, không đánh đố TS, phù hợp với chương trình Bộ GD&ĐT đã tinh giản, có độ phân hóa hợp lý.

Đề văn hay nhưng quá dài

Sau 120 phút làm bài, TS vỡ òa vì đề văn “trúng tủ”. Tại điểm thi Trường THPT Phan Đăng Lưu, TP.HCM, em Trương Thành Phát chia sẻ đề thi vừa sức. Do dịch COVID-19 nên việc đề thi ra tác phẩm Đất nước không có gì khó đoán. Phần nghị luận xã hội rất dễ, có đất để các bạn thể hiện.

Nói về đề thi, cô Lưu Mai Tâm, giáo viên Trường THPT Trịnh Hoài Đức, tỉnh Bình Dương, khẳng định: “Đề trọng tâm, nhân văn”.

Về cơ bản, đề giống đề thi chính thức và đề thi tham khảo trong các năm gần đây của bộ.

Phần đọc hiểu, ngữ liệu đưa ra những lý lẽ mang tính triết lý và những dẫn chứng cụ thể, sinh động về ý nghĩa của sự sống, về tầm quan trọng của việc sống hết mình ở thời khắc hiện tại. Các câu hỏi đọc hiểu đảm bảo các mức độ nhận thức từ nhận biết đến thông hiểu, vận dụng.

Phần làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu TS viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày.

Câu nghị luận xã hội mang tính mở. TS có thể kết nối vấn đề nghị luận với thực tế đời sống từ rất nhiều góc độ, nhất là khi lý giải vì sao cần phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày. Chẳng hạn, trong hai thập niên đầu của thế kỷ 21, loài người đã và đang chứng kiến những điều “không tưởng tượng nổi” xảy đến: Sự mất tích của chiếc máy bay MH370, dịch bệnh do virus Ebola, dịch COVID-19 đe dọa toàn thế giới... Sự sống trở nên mong manh, bất ổn và vì thế con người càng cần trân trọng từng giây phút của sự sống...

Thí sinh dự thi tại trường điểm thi THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG

Phần nghị luận văn học, nghị luận về một phần trong đoạn trích “Đất nước” (trích trường ca “Mặt đường khát vọng”) của Nguyễn Khoa Điềm. Câu lệnh yêu cầu rõ: “Phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân” được tác giả thể hiện trong đoạn trích.

Tuy nhiên, đoạn trích “Đất nước” không phải là đoạn dễ xử lý với nhiều học sinh; ngữ liệu trích khá dài; câu lệnh có định hướng chia luận điểm bài viết nên với đề này, tính phân hóa trong bài làm sẽ khá rõ nét.

Tại Hà Nội, cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên ngữ văn, chia sẻ đề thi bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo.

Cụ thể, phần đọc hiểu gồm bốn câu hỏi nhỏ. Trong đó ba câu đầu dừng ở mức độ nhận biết, cụ thể. Chỉ duy nhất câu 4 là ở mức độ vận dụng cao, yêu cầu học sinh phải vận dụng những hiểu biết về cuộc sống xã hội cùng những trải nghiệm cá nhân để thể hiện quan điểm độc lập của mình trước một nhận định rút ra từ ngữ liệu đã cho.

Phần 2 - Làm văn, câu nghị luận xã hội vẫn yêu cầu học sinh nghị luận về một khía cạnh rút ra từ phần đọc hiểu, đó là “sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày”. Khía cạnh của vấn đề nghị luận hướng tới một trong những điều quan trọng của cuộc sống mỗi cá nhân. Tuy nhiên, đây là một vấn đề ít nhiều còn trừu tượng với những học trò 18 tuổi - chưa đủ trải nghiệm để có thể thấu hiểu ý nghĩa của mỗi giây phút được sống trong cuộc đời.

Phần nghị luận văn học đề cập đến một thông điệp tư tưởng quan trọng bao trùm không chỉ trong đoạn trích Đất nước” mà còn là tư tưởng chi phối toàn bộ giai đoạn văn học 1945-1975. Tuy nhiên, ngữ liệu nghị luận theo yêu cầu của đề bài là 27 câu trong phần 3 của đoạn trích “Đất nước”, đó là một ngữ liệu quá dài, quá bề bộn trong quỹ thời gian cho phép của toàn bộ đề bài là 120 phút.

13 thí sinh bị đình chỉ

Báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT cuối ngày thi đầu tiên thống kê có 13 TS trên cả nước vi phạm quy chế thi bị đình chỉ.

Theo đó, hôm nay TS thi hai môn (sáng: Ngữ văn; chiều: Toán).

Trong buổi sáng có một TS bị khiển trách, chín TS bị đình chỉ do mang tài liệu và điện thoại vào phòng thi.

Buổi chiều có bốn TS bị đình chỉ thi do mang điện thoại vào phòng thi.

Ban chỉ đạo kỳ thi THPT cũng cho biết có 23 tỉnh, thành bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, số TS bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 không thể dự thi là 26.308 TS, chiếm tỉ lệ 2,92% tổng số TS đăng ký dự thi trên toàn quốc.

Hôm nay (10-8), buổi sáng TS làm bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, buổi chiều thi ngoại ngữ là bài thi cuối cùng của kỳ thi. 

Dự đoán môn toán “mưa” điểm 9, 10

Rời phòng thi sau 90 phút làm bài, hầu hết TS đều rất phấn khởi và cho rằng đề thi dễ hơn năm ngoái.

Tại điểm thi Trường THPT Hiệp Bình, TP.HCM, Hoàng Long cho biết đề có 50 câu, có 35 câu vừa sức. Hầu hết các bạn đều có thể làm được. Đề thi lấy điểm trên 5 rất dễ. 15 câu cuối dành cho các bạn khá, giỏi. Em có thể đạt được điểm 7.

Nhận xét đề thi toán, thầy Trần Văn Thanh, giáo viên dạy toán lớp 12, Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM, cho rằng đề thi có cấu trúc và độ phân hóa tương tự đề thi minh họa.

Có thể do ảnh hưởng của dịch bệnh và kỳ thi phục vụ xét tốt nghiệp là chính nên mức độ khó của đề giảm hơn so với đề mọi năm.

Theo thầy Thanh, 90% đề thi nằm trong chương trình lớp 12, một số câu ở lớp 11, một số câu tích hợp kiến thức lớp 10. “Vì đề không khó nên theo tôi, điểm thi năm nay sẽ rất cao. Phổ điểm phổ biến dành cho tất cả các em ở mức 6-8 điểm. Những em khá, giỏi sẽ rất dễ lấy điểm 9, 10” - thầy Thanh nhận định.

đề thi bám sát đúng yêu cầu của việc xét công nhận tốt nghiệp, các trường đại học có thể sẽ bối rối khi sử dụng kết quả của bài thi này để tuyển chọn TS. Tuy nhiên, đây là một năm đặc biệt, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến cho thời gian thi của học sinh cũng bị lùi và có thêm hai tháng để ôn thi nhưng việc học kiến thức tại trường bị gián đoạn, do đó những học sinh có khả năng tự học sẽ có thể hoàn thành tốt bài thi. Đỉnh của phổ điểm sẽ ở mức 6,5-7 điểm.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: Đất nước là của nhân dân

Trả lời Pháp Luật TP.HCM khi bài thơ “Đất nước” của mình được trích dẫn trong đề thi THPT 2020 môn ngữ văn, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cho biết chương Đất nước là một chương rất dài trong trường ca “Mặt đường khát vọng”, một chương ông rất thích trong sáng tác của mình.

Thí sinh thở phào trong ngày thi THPT đầu tiên ảnh 2
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Ông cho biết phần được trích dẫn trong đề thi cũng là phần ông yêu thích vì diễn đạt rõ hơn về đất nước. “Bài thơ này tôi viết năm 1971, lúc đó chúng ta đang kháng chiến chống Mỹ, bởi vậy bài thơ nói chuyện đất nước lúc đó” - ông cho hay.

Trước câu hỏi của PV về việc bài thơ được đưa vào đề thi trong bối cảnh cả nước đang chống dịch COVID-19 như chống giặc, nhiều công dân ở nước ngoài cũng được bảo hộ về nước…, vậy với ông có kỳ vọng hay bày tỏ gì về cảm nghĩ của thế hệ bây giờ với đất nước hiện nay không, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm bày tỏ: “Tôi nghĩ đất nước là muôn đời rồi, đối với mọi thế hệ đều có trách nhiệm bảo vệ đất nước, gắn bó với đất nước, đất nước cũng phải quan tâm đến mọi số phận. Nhân dân xây dựng lên đất nước, đất nước là của nhân dân nên phải chăm lo cho nhân dân”. 

VIẾT THỊNH

TP.HCM: Không có thí sinh diện F1, F2

Theo công bố và xác nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, TP.HCM không có TS thuộc diện F1, F2. Do đó 100% TS tại TP.HCM thi đợt 1 của kỳ thi.

Ở một số điểm thi có một vài TS bị sốt phải uống thuốc và các cơ quan y tế đã thăm khám, xác định có thể tiếp tục tham dự kỳ thi.

Ngày đầu tiên của kỳ thi đã có ba điểm thi sử dụng phòng thi dự phòng.

Cụ thể, tại điểm thi Trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú), ba TS bị mắc bệnh thủy đậu đã được bố trí thi phòng dự phòng để đảm bảo việc phòng, chống lây nhiễm. Tương tự, tại điểm thi Trường THCS Lý Phong (quận 5) cũng có một TS mắc bệnh nói trên.

Riêng tại điểm thi Trường THPT Lý Thường Kiệt (huyện Hóc Môn), khi TS chuẩn bị làm bài môn toán thì la phông phòng thi bị rớt xuống nên điểm thi đã chuyển TS sang phòng dự phòng để làm bài.

NGUYỄN QUYÊN

Quảng Trị: Thay thế khẩn cấp 179 giám thị 

Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị, cho biết đến chiều 9-8, sở đã thay thế khẩn cấp tổng cộng 179 giám thị coi thi và 58 cán bộ phục vụ kỳ thi.

Những người này từng đi từ vùng dịch trở về hoặc liên quan đến bốn ca nhiễm COVID-19 tại địa phương.

Chiều 9-8, Quảng Trị có thêm hai ca COVID-19, hiện sở đang khẩn trương phối hợp với trung tâm kiểm soát bệnh tật và các địa phương để sàng lọc, nắm tình hình các học sinh. Nếu học sinh nào có liên quan đến hai ca mới này thì sẽ dừng thi trong ngày 10-8 và dời sang thi đợt 2.

Trong ngày 8-8, tỉnh Quảng Ngãi phải quyết định dừng điểm thi Trường THPT Sơn Mỹ do tại điểm thi này có hai giáo viên coi thi tiếp xúc gần (F1) với BN786 nhiễm COVID-19. Theo đó, toàn bộ 352 TS là học sinh Trường THPT Sơn Mỹ và 30 TS là học sinh của trường khác tại Quảng Ngãi phải dừng thi. Như vậy, toàn tỉnh này có 382 TS dừng thi tốt nghiệp THPT đợt 1.

N.DO - T.NHẬT

15 trường hợp được xem xét đặc cách tốt nghiệp THPT

Xác nhận với Pháp luật tp.hcm vào chiều 9-8, một đại diện thuộc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk thông tin có 11 TS khuyết tật được miễn thi tốt nghiệp. “Việc này đúng theo quy chế, theo Thông tư 15 của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, việc đặc cách tốt nghiệp cho những trường hợp này phải được trình cho hội đồng coi thi của tỉnh nghiên cứu, xem xét. Nếu đủ các điều kiện được đặc cách tốt nghiệp thì mới xét đặc cách tốt nghiệp THPT” - vị này nói.

Trong khi đó, tại Đắk Nông có ba trường hợp được xem xét đặc cách tốt nghiệp. Cụ thể, một em đang cách ly điều trị tại BV đa khoa tỉnh Đắk Nông với chẩn đoán viêm họng/theo dõi COVID-19; một TS phải nghỉ thi do bố mất đột ngột và một TS bị tai nạn giao thông.

Tại tỉnh An Giang, một TS ở điểm thi Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh đã nhập viện trước đó vài ngày. Xét học bạ thì em này có học lực giỏi, đủ điều kiện để xét đặc cách tốt nghiệp theo quy định. Còn một TS nhập viện ngay trong sáng 9-8 nhưng em này không đủ điều kiện để xét đặc cách.

H.TRƯỜNG - H.DƯƠNG 

BÊN LỀ KỲ THI

CSGT TP.HCM tặng khẩu trang cho thí sinh thi THPT

Sáng 9-8, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã chính thức khởi động với môn thi đầu tiên. Tại các điểm thi ở TP.HCM, nhiều đội, trạm CSGT trực thuộc Phòng CSGT (PC08, Công an TP.HCM) đã cử lực lượng hỗ trợ phụ huynh và sĩ tử hoàn thành tốt kỳ thi này.

Đặc biệt, các tổ CSGT cũng tổ chức tặng khẩu trang và nước suối miễn phí cho các em học sinh trước và sau khi bước ra khỏi phòng khi, tạo sự cổ vũ tinh thần cho các em thi tốt trong thời điểm có dịch COVID-19.

Thí sinh thở phào trong ngày thi THPT đầu tiên ảnh 3
Đại úy Nguyễn Anh Tú chở nữ sinh đến điểm thi cho kịp giờ thi. Ảnh: N.BẢO

Chiều 9-8, trước giờ vào thi, nhiều khu vực tại TP.HCM mưa lớn khiến nhiều TS bị ướt vì không kịp chuẩn bị áo mưa. Trên đường ra hỗ trợ tại điểm thi Trường THPT Tenlơman (quận 1), Đại úy Nguyễn Anh Tú thuộc Đội CSGT Bến Thành (PC08, Công an TP.HCM) trông thấy một nữ sinh cũng đang trên đường đến điểm thi Tenlơman nhưng bị mắc mưa.

Ngay lập tức, Đại úy Tú cởi áo mưa nhường cho nữ sinh, đồng thời đề nghị em lên mô tô đặc chủng để CSGT đưa đến điểm thi cho kịp giờ.

LÊ THOA

Ninh Thuận điều xe hỗ trợ thí sinh xa nhà

Tỉnh đoàn Ninh Thuận đã tổ chức 57 chuyến xe hỗ trợ dọc đường, đón những TS bị hư xe hoặc đến điểm thi trễ. Sở GTVT cũng hỗ trợ hai xe 30 chỗ và hai xe 16 chỗ đưa đón học sinh nhà ở xa trong suốt quá trình thi.

Ngoài ra, Tỉnh đoàn Ninh Thuận đã tổ chức và điều phối 474 tình nguyện viên của các trường cao đẳng nghề, cao đẳng  sư phạm, huyện đoàn, đoàn cơ sở các địa phương và các trường. Đặc biệt, nhóm cựu học sinh Ninh Thuận tại TP.HCM về nghỉ hè cũng tích cực tham gia hỗ trợ cho các TS. Hàng trăm ổ bánh mì, 421 suất cơm trưa, 90 chỗ nghỉ trưa, hàng  chục thùng sữa, nước khoáng... Có điểm còn hỗ trợ cả bút, thước, tẩy cho các TS.

Bạn Nguyễn Quốc Bảo Duy, sinh viên năm hai, thành viên của nhóm Cựu học sinh Ninh Thuận tại TP.HCM, chia sẻ: “Những năm trước em cũng từng là TS thi, được các anh chị đi trước hỗ trợ. Năm nay cùng các bạn làm tình nguyện hỗ trợ cho các em, cũng mong các em được tạo điều kiện tốt nhất để thi đạt kết quả tốt”. 

THANH SƠN

Gia Lai: Yêu cầu tắt loa phường để thí sinh làm bài

Sáng 9-8, một số phụ huynh phản ánh trong ngày thi tốt nghiệp THPT đầu tiên, tiếng loa phường tại hai điểm thi Trường THPT Nguyễn Huệ và Trường THCS Võ Thị Sáu (huyện Đăk Đoa, Gia Lai) gây ồn ào, có thể ảnh hưởng đến việc làm bài thi của các TS.

Ông Lê Duy Định, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, cho biết sau khi nhận được thông tin phản ánh từ người dân, đơn vị đã chỉ đạo trưởng điểm thi xác minh thông tin, yêu cầu chính quyền địa phương điều động người cho tắt ngay loa phường phát tiếng nhạc để đảm bảo môi trường yên tĩnh cho các em làm bài thi tốt nghiệp THPT.

Theo ông Lê Duy Định, việc mở loa phường là do vô tình, không để ý. Thời điểm mở loa gây tiếng ồn trước 7 giờ 30, tức là trước khi cán bộ, giáo viên phát đề thi cho các em.

Nhờ sự tiếp nhận thông tin, chỉ đạo sớm nên không gây ảnh hưởng đến tâm lý làm bài thi của các em.

HUY TRƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm