Truy tìm nhiều ‘Trịnh Xuân Thanh’ ở các cấp

Hẳn nhiên nhiều người sẽ nghĩ đề nghị này xuất phát từ những vụ việc nổi cộm về bổ nhiệm trong thời gian qua như vụ Trịnh Xuân Thanh, rồi tình trạng nhiều sở, ngành lãnh đạo nhiều hơn nhân viên,…

Còn nhớ tại kỳ họp thứ 2 hồi tháng 11-2016, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, cơ quan thẩm tra báo cáo về phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, đã từng đề cập đến vấn đề này.

Lúc đó bà Nga chất vấn về việc bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ và trách nhiệm của Bộ Nội vụ. Thông tin thêm, bà Nga còn cho hay: “Hơn bốn tháng qua từ khi tôi đề nghị, vì sao chưa có kết luận kiểm tra, thanh tra theo yêu cầu của Thủ tướng và đại biểu QH?”. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khi đó đã trả lời theo nguyên tắc chung dù thừa nhận có tình trạng ấy.

Tuy vậy, bà Nga lại tiếp tục chất vấn với tư cách đại biểu QH, nêu những bức xúc của cử tri, báo chí và việc bản thân bà dù chất vấn bằng văn bản cũng không nhận được báo cáo. Đồng thời bà Nga đề nghị Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho thanh tra ngay tình trạng bổ nhiệm ồ ạt này.

Việc thanh tra sau đó có được tiến hành nhưng phải tới tháng 2-2017 thì việc thanh tra chín địa phương, phát hiện 58 trường hợp bổ nhiệm người thân mới được công bố cho báo chí. Tuy vậy, không nhiều trường hợp được phát hiện ra là bổ nhiệm sai, còn lại đều… đúng quy trình.

“Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước để trả lời dư luận cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định, bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng”.

Đề nghị này của Ủy ban Tư pháp tại phiên họp trên nếu được Chính phủ thực hiện nghiêm túc chắc chắn sẽ tạo chuyển biến lớn và nhiều “Trịnh Xuân Thanh” ở các cấp sẽ được phát hiện. Bởi công tác bổ nhiệm cán bộ lâu nay tuy được xác định là then chốt nhưng vẫn râm ran những bàn tán, xì xào. Thậm chí ngay những việc cả dòng họ làm quan ở tỉnh, ở huyện mà báo chí nêu… vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Bởi vậy tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ là một đề xuất cần thiết trong thời điểm này. Nếu những sai phạm được lôi ra, những khuất tất được làm rõ thì mới có hy vọng vào một hệ thống không tham nhũng. Khi đó cuộc chiến chống tham nhũng mới có thể thành công vì đã có lực lượng bao gồm những con người sạch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm