Thông tin ẩu là ‘tội đồ’ với dân mình

Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều nhà nhập khẩu các nước lợi dụng cơ hội này đưa một số nông sản Việt Nam vào dạng cảnh báo và hạ giá mua. Con đường xuất khẩu nông sản Việt vốn đã gian nan lại càng khó hơn trước các hàng rào kỹ thuật khắt khe, nhiều khi đến phi lý được các nước giăng ra.

Dĩ nhiên những người phải gánh chịu trực tiếp và nặng nề nhất những thiệt hại này là nông dân, doanh nghiệp và lớn hơn là nền kinh tế.

Để minh oan cho trái cây Việt, ngày hôm qua một cuộc tọa đàm khoa học nhằm đánh giá đúng chất làm chín trái cây Ethephon đã được tổ chức (mời xem bài về chủ đề này trên trang 11). Tại đây nhiều nhà khoa học khẳng định chất Ethephon không độc hại và được phép sử dụng. Chất này được thế giới sử dụng phổ biến trong trồng trọt.

Theo các nhà khoa học, chất Ethephon từ chỗ giúp tạo ra các sản phẩm đẹp, đồng đều, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu… bỗng nhiên biến thành “tội đồ”. Nó biến thành tội đồ bởi một số thông tin kết tội sản phẩm này “gây ung thư”, “cực độc”, “kinh khủng”.

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên trái cây nói riêng và nông sản Việt bị kết tội oan. Đơn cử chỉ một thông tin ăn bưởi gây ung thư đã làm những nông dân mất toi hàng trăm tỉ đồng. Tin đồn cá rô đầu vuông, cá kèo, cá điêu hồng… cũng bị những tin đồn vô căn cứ làm hại.

Thật buồn cho những nông dân suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vun trồng, chăm sóc mong ngày gặt hái thành quả nhưng chưa kịp vui thì đã rớt nước mắt nhìn chuối, mít, sầu riêng, bắp… của mình thối rữa theo những thông tin trời ơi, thiếu kiểm chứng.

Tất nhiên truyền thông lên án những kiểu làm ăn gian dối, vô trách nhiệm, bỏ hóa chất cấm độc hại ngấm ngầm giết người mua để bảo vệ người tiêu dùng, người làm ăn chân chính là cần thiết. Nhưng nếu đưa tin thiếu chính xác, thiếu kiểm chứng, thiếu xác thực, a dua chạy theo đám đông hoặc chỉ để câu khách có thể giết chết một doanh nghiệp uy tín, làm hại hàng ngàn nông dân, thậm chí làm cả nền sản xuất điêu đứng.

Tội đồ trong trường hợp này chính là sự thiếu hiểu biết, cẩu thả, thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm chứng và cũng không loại trừ vì một mục đích nào đó thiếu lành mạnh.

Xin trích lời cảm thán của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, đăng trên Facebook cá nhân để kết thúc bài viết: “Truyền thông về nông sản thời cạnh tranh này là chuyện thật gay go. Quá thiếu mà có khi lại dễ dãi, sai lệch, a dua…gây hại không ngờ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm