Thảo luận văn kiện Đại hội XI: Nhiều nội dung có ý kiến khác nhau

TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận trung ương, nhận xét Đoàn chủ tịch đã điều hành rất khéo, khơi dậy được tinh thần tranh luận dân chủ, thẳng thắn, tập trung vào những vấn đề có ý kiến khác nhau. “Điều này cũng giống như Đại hội X. Các vấn đề rất mới như đảng viên được làm kinh tế tư nhân, diễn đạt mới về tính đại diện của Đảng… được các đại biểu tranh luận sôi nổi”.

Thống kê của Đoàn thư ký đại hội, ngoài 27 tham luận tại hội trường thì phần phiên thảo luận riêng của 67 đoàn đại biểu, đã có 1.402 lượt ý kiến phát biểu. Nội dung rất phong phú và không ít vấn đề có ý kiến khác nhau.

Riêng phần thảo luận tại hội trường mà báo chí được theo dõi, cho đến ngày 14-1, có khá nhiều nội dung đáng chú ý.

1. Công nhận có sở hữu tư nhân đất đai?

Theo đại biểu Trần Du Lịch, hiến pháp hiện hành vẫn quy định chỉ có một hình thức là sở hữu toàn dân về đất đai. Sở hữu như vậy nhưng thực tế chủ đất ở có quyền cho thuê, mua bán… định đoạt tất cả. “Người ta dựng nền nhà trên đất ở “thời hạn sử dụng lâu dài” thì với những quyền năng của mình, họ thực sự đã sở hữu rồi. Thế nhưng ta cứ nói phải sở hữu toàn dân. Không ổn tí nào hết!”.

Thảo luận văn kiện Đại hội XI: Nhiều nội dung có ý kiến khác nhau ảnh 1

Đại biểu Vũ Tiến Chiến: "Cần nhìn thẳng vào sự thật những biểu hiện “giàu nhanh”. Ảnh: TTXVN

“Ta cứ nói là sở hữu toàn dân nhưng xin thưa, sở hữu chỉ có hai chủ thể: pháp nhân và thể nhân. Pháp nhân lớn nhất là quốc gia, mà nhà nước là đại diện. Cái gì chuyển từ tư nhân sang quốc gia, cái đó gọi là quốc hữu hóa. Nếu sở hữu toàn dân là sở hữu quốc gia thì đây là quyền của nhà nước, chứ không phải ai khác. Tôi không chủ trương tư nhân hóa nhưng bản chất sự việc là cái gì thì ta phải gọi đúng bản chất của nó chứ không phải gọi tên khác. Còn kéo dài thế này, xin thưa, chúng ta sẽ còn thất thoát tài nguyên đất đai và nhọc nhằn không quản lý được” - ông Lịch nói.

2. Không thể rút quyền thi hành kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Đảng

Có quan điểm khác với dự thảo sửa đổi Điều lệ Đảng, đại biểu Trịnh Long Biên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đề nghị không rút quyền thi hành kỷ luật với đảng viên vi phạm của ủy ban kiểm tra các cấp.

Theo ông Biên, từ Đại hội III đến nay, ủy ban kiểm tra từ cấp huyện, tương đương trở lên được giao quyền thi hành kỷ luật với đảng viên là cán bộ do cấp ủy cùng cấp quản lý. Với quyền hạn ấy, trong nhiệm kỳ Đại hội X, cơ quan kiểm tra đảng ở ba cấp đã thi hành kỷ luật trên 60% tổng số đảng viên bị kỷ luật.

Tuy nhiên, nay có ý kiến cho rằng “cấp ủy cấp nào quản lý, đề bạt, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý cán bộ mới có thẩm quyền quyết định các hình thức kỷ luật đối với cán bộ do cấp ủy quản lý’’, nên sửa điều lệ như trong dự thảo, không phân cấp cho ủy ban kiểm tra nữa là không hợp lý. Bởi đã có quy định là với hình thức kỷ luật như cách chức, lưu đảng, khai trừ thì trước khi ra quyết định, cơ quan kiểm tra phải xin ý kiến của cấp ủy. Mặt khác, sửa như dự thảo thì công tác kiểm tra, xử lý kỷ luật sẽ mất tính kịp thời; cấp ủy không thể tập trung thời gian cho các công việc lớn của Đảng.

Vì vậy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị giữ nguyên thẩm quyền thi hành kỷ luật của ủy ban kiểm tra các cấp như Điều lệ Đảng hiện hành, đảm bảo thống nhất thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và Chiến lược kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020.

3. Ứng viên Trung ương khóa mới phải kiên quyết chống tham nhũng

Đại biểu Vũ Tiến Chiến, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN) là người thứ năm lên đọc tham luận trong phiên thảo luận này. Phần trình bày của ông có một số điểm bổ sung thêm, nằm ngoài văn bản gửi đại hội trước đó, mà đáng chú ý là phần kiến nghị. “Tôi đề nghị Đoàn chủ tịch bố trí thời gian để nhiều đại biểu trao đổi về công tác PCTN. Đề nghị đại hội lựa chọn các ủy viên Trung ương kỳ này coi trọng tiêu chuẩn không tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí”.

Ngoài sáu loại “chạy” đã được Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu trong phát biểu hôm khai mạc (chức, quyền, chỗ, tuổi, bằng cấp, huân chương), phần kiến nghị của ông Chiến cho rằng cần nhìn thẳng vào sự thật về hiện tượng “giàu nhanh”, “lên chức nhanh”. Hai loại nhanh ấy mà do tiêu cực, tham nhũng, do “chạy” bằng tiền mà có thì phải làm rõ, lên án và nghiêm trị. Với tinh thần ấy, Ban Chấp hành Trung ương XI sau khi được bầu, trong năm 2011 cần tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) để kịp điều chỉnh chủ trương, giải pháp nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh PCTN.

Nhiệm kỳ tới cần nghiên cứu, đẩy việc kê khai tài sản lên mức công khai với một số chức danh chủ chốt; tiến tới áp dụng biện pháp, kỹ thuật điều tra đặc biệt với tội phạm tham nhũng. Cùng với hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTN ở trung ương, cấp tỉnh, cần thí điểm mô hình mới: trưởng ban chỉ đạo cấp tỉnh là bí thư hoặc chủ tịch HĐND tỉnh, thay vì chủ tịch UBND như hiện nay…

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm