Soi rọi từ nhân dân

Còn cán bộ nào biết lắng nghe, lễ độ thì chuyện to hóa nhỏ”. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã nêu ra tình trạng này khi đề cập đến việc đánh giá thái độ của lãnh đạo, cán bộ ở TP.HCM trong tiếp dân, tại buổi làm việc của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân với UBND TP.HCM về đánh giá sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, ngày 27-9.

Tiếp dân, đó không chỉ là nhiệm vụ được quy định trong Luật Tiếp công dân, mà đáng lý ra nó còn là một nhu cầu thiết yếu xuất phát từ chính người lãnh đạo hay cán bộ, công chức, bởi họ được người dân bầu lên bằng lá phiếu hoặc sự tín nhiệm và hưởng lương bằng chính tiền thuế của dân. Nguyên lý ấy đòi hỏi mỗi lãnh đạo phải xem việc tiếp dân là công tác quản trị của chính quyền chứ không đơn thuần là một thể thức làm cho lấy có, ngó cho lấy được. Thế nhưng trên thực tế cho thấy điều này không phải lúc nào cũng được tuân thủ một cách tự nguyện và thực tâm.

Lãnh đạo TP.HCM thừa nhận rằng: Nhiều lãnh đạo, công chức ngại tiếp dân là bởi không có kỹ năng. Cũng bởi một phần không phải lãnh đạo nào cũng thông thạo, nắm chắc tất cả quy định của pháp luật, thủ tục hành chính nên không tự tin gặp dân, những người vốn đang cần câu trả lời chính xác, hợp luật, hợp tình khi nỗi bức xúc dâng trào. Quan trọng hơn, đôi khi họ không hiểu rằng: Tiếp dân chính là tự nguyện đặt mình dưới sự giám sát tất yếu của nhân dân, chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước.

Khi lãnh đạo tiếp dân tức là lãnh đạo đã bắt đầu một cuộc đối thoại sòng phẳng, công bằng và thẳng thắn với người dân. Bởi vậy, ông Nguyễn Thiện Nhân khi làm việc với bộ phận một cửa của UBND quận 3 (TP.HCM) đã nói: “Đối thoại với dân chính là nhìn thẳng vào sự thật, lắng nghe nhân dân để nhìn vào những gì còn yếu kém mà khắc phục, để an dân vì lợi ích của người dân”.

Nhưng không nhiều người biết được rằng: Trước khi lãnh đạo quận 3 có thể tự tin đối thoại với dân thì trước đó họ đã lắp đặt thiết bị đánh giá sự hài lòng của dân ngay tại bộ phận một cửa và mong nhận được sự phản hồi của dân một cách chân thành nhất. Ông Nguyễn Thiện Nhân gọi đó là sự dũng cảm khi sẵn sàng tiếp nhận mọi ý kiến khen chê. Bởi có nhiều nơi, lãnh đạo lo ngại rằng để dân đánh giá lỡ họ đánh giá xấu thì làm sao.

Tất nhiên, đã để dân đánh giá thì phải xem đó là thước đo kết quả việc quản trị của chính quyền, hiệu quả sự vận hành của các dịch vụ hành chính công và chất lượng cán bộ. Kết quả ấy chỉ có thể mang lại ý nghĩa thực sự nếu nó phản ánh một cách khách quan những gì đang diễn ra, bởi khi đó chính quyền nói chung và cán bộ nói riêng mới có thể soi rọi mình và điều chỉnh chất lượng phục vụ.

Và chắc chắn rằng đối thoại với dân là một trong những phương thức giám sát hữu hiệu của nhân dân đối với hệ thống công quyền. Nếu lãnh đạo nào không chịu hoặc ngại tiếp dân thì chắc chắn có nguyên nhân là họ đã không dũng cảm vượt qua được chính mình và chưa thuộc nằm lòng lời dạy: “Cán bộ là đầy tớ của nhân dân”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm