Phá tảng băng trong nỗi lo của doanh nghiệp

Họ cho rằng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thủ tướng luôn quyết liệt thúc đẩy cải cách, đề ra cho các bộ, ngành những nhiệm vụ cụ thể để DN lớn mạnh.

Tuy vậy, có những sự việc mà tại các hội nghị trước với Thủ tướng đã được nêu lên nhưng cho đến thời điểm này hoặc là không được giải quyết triệt để, hoặc là cơ quan nhà nước có những cách khác để gây khó cho doanh nghiệp. Biện pháp cơ bản mà các cơ quan nhà nước hay dùng là vận dụng “sáng tạo” những văn bản dưới luật hoặc giải thích các quy định một cách cảm tính để buộc DN phải lo ngại phiền hà mà chung chi hoặc đi cửa sau.

Một chủ tịch hiệp hội DN kể rằng: DN thành viên của hiệp hội đầu tư một dự án. Khu đất DN ấy được giao trước đó không có gì đặc biệt. Nhưng khi những công trình trong dự án bắt đầu có hình hài thì lãnh đạo của tỉnh bất thình lình gọi DN lên để… tính lại. Các sở vào cuộc để “vận dụng pháp luật” nhằm bắt DN phải… nộp thêm tiền. Lý do được đưa ra là: Bây giờ khu đất đó… đẹp quá, giá trị phải tăng lên. Và thế là DN lại gặp phải nhiều khó khăn trong triển khai dự án.

Đó chỉ là một ví dụ cụ thể cho thấy thật ra dù đã có những cải cách nhất định nhưng tình hình là thể chế vẫn là một khó khăn mà DN không thể tự cứu mình như Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh.

Trong hội nghị, khi phát biểu khai mạc, Thủ tướng nói rằng: “Sự lớn mạnh của DN không thể thiếu vai trò của Nhà nước và ngược lại, sự yếu kém của DN cũng có trách nhiệm của Nhà nước”. Khẳng định này của Thủ tướng dù không mới nhưng nó cho thấy một sự thật rằng: Những khó khăn từ thương trường không phải là điều mà các doanh nhân lo lắng.

Bởi dù muốn dù không thì cạnh tranh là một quy luật. Gia nhập hay rút khỏi thị trường cũng là thường tình. Chính Nhà nước, với những quyền lực được giao, nếu chưa được kiểm soát chặt chẽ thì đó mới thực sự là một nguy cơ cho DN. Khi mà tình trạng “sáng đúng chiều sai sáng mai lại đúng” vẫn còn tồn tại thì DN phải oằn mình chống đỡ những nỗi sợ từ công quyền là một thực tế.

Thủ tướng khi kết luận hội nghị vẫn nhắc lại phải cải cách thể chế, luật, nghị định, thông tư… Như nhiều lãnh đạo, chuyên gia đã đề cập: Cần phải có cả những chế tài cho những cá nhân, tổ chức tham mưu những chính sách, quy định có hại, gây khó khăn cho người dân, DN. Bởi chỉ khi nào những cán bộ, tổ chức được giao nhiệm vụ tham mưu, hoạch định và đề xuất chính sách bị chế tài do tham gia vào việc ban hành chính sách sai thì có lẽ khi đó công cuộc cải cách thể chế của Chính phủ mới thu được kết quả mỹ mãn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm