Nghĩa vụ công dân không chỉ từ sự tự giác

Cụ thể, theo Điều 102 Bộ luật Hình sự hiện hành, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Còn phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù 1-5 năm: Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm; người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

Đề xuất mới về nội dung này được đưa ra ở Điều 131 dự thảo, cụ thể phạm tội dẫn đến hậu quả từ hai người trở lên chết thì bị phạt tù 3-7 năm.

Thực tế cho thấy không ít người đã được cứu sống vì được người khác cứu giúp kịp thời. Nhưng hầu hết trong số đó xuất phát từ tấm lòng của mỗi người, tức từ nghĩa vụ mang tính cộng đồng hơn là từ trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật. Không ít trường hợp đã dửng dưng trước sự sống chết của người khác và mặc nhiên bỏ quên cả phần trách nhiệm công dân của mình đã được pháp luật quy định một cách hẳn hoi.

Vì vậy việc tăng nặng hình phạt đối với hành vi trên này nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm của mỗi công dân trước việc phải cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm. Đó chính là sự đặt nặng trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xã hội.

Tuy nhiên, để chuyển từ sự kêu gọi ý thức tự giác cá nhân qua trách nhiệm công dân, như một phản xạ có điều kiện của mỗi người đối với sinh mệnh của cộng đồng, Nhà nước cũng cần có những hành xử phù hợp hơn để khuyến khích công dân thực hiện quy định này. Theo đó, việc tiếp nhận, thủ tục khai báo cần phải dễ dàng hơn theo hướng kêu gọi sự hợp tác chứ không phải áp hết sự nghi ngờ của mình lên một người làm việc tốt rồi bắt khai đi khai lại, vặn đi vặn lại… tốn rất nhiều thời gian, công sức cho cả việc khai báo và làm chứng. Những điều như thế sẽ làm cho người cứu giúp thấy “chẳng được gì” và họ sẽ không lặp lại điều đó ở những lần sau nữa. Và dần trở thành vô cảm. Sự vô cảm từ một người có thể lây lan sang người khác và tạo thành sự vô cảm chung của toàn xã hội.

Vì thế cùng với việc tăng trách nhiệm hình sự thì Nhà nước phải khuyến khích, động viên tính nhân văn vốn có trong mỗi con người, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để họ được thực hiện ý thức công dân của mình. Nếu không, việc tăng trách nhiệm hình sự đó mới chỉ giải quyết được yếu tố cần của vấn đề.

MẠNH LÊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm