Không làm được thì thay ngay

Phát biểu của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại cuộc làm việc sáng 24-3 giữa tổ công tác của Thủ tướng với 11 bộ, ngành đã bóc trần một trong những nguyên nhân chính của tình trạng nợ văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật, pháp luật hiện nay.

Tình trạng nợ văn bản hướng dẫn là căn bệnh kinh niên, được đề cập nhiều lần tại diễn đàn Quốc hội cũng như các cuộc họp chuyên đề về xây dựng thể chế của Chính phủ. Và trong thực tế, câu chuyện luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư cũng đã khiến nhiều quy định của luật chỉ nằm trên giấy, mà trong nhiều trường hợp ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016), tại Điều 11 quy định rất rõ rằng: “Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết”.

Đây được xem là quy định đột phá để buộc các cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ các văn bản hướng dẫn, để khi luật có hiệu lực thì lập tức được áp dụng ngay mà không phải mất thời gian chờ đợi.

Thế nhưng với con số cả chục văn bản hướng dẫn đang bị các bộ, ngành nợ được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng điểm danh, cũng như sự vắng mặt của những người đứng đầu các bộ, ngành trong cuộc làm việc nói trên, đã cho thấy “liều thuốc đặc trị” trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật dường như chưa “đủ đô” để chữa dứt căn bệnh này.

Phải chăng vì quy định đặt ra nhưng không có chế tài đi kèm nên không “ép phê” với những cơ quan đơn vị, cá nhân có trách nhiệm?

Cho nên nhiều người đã thấy một giải pháp khả thi cho việc giải quyết tình trạng nợ đọng văn bản khi Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Văn phòng Chính phủ không chỉ kiểm tra các bộ mà còn kiểm tra ngay chính Văn phòng Chính phủ, những trường hợp chậm trễ thì điều chuyển. “Thay người là nhanh nhất, thay người là văn bản nhanh ngay” - ông nói.

Ai cũng rõ nếu chỉ rút kinh nghiệm, kiểm điểm chung chung thì chắc chắn không bao giờ chấm dứt được thực trạng nợ đọng văn bản hiện nay. Vì thế nhiều người hy vọng với sự quyết liệt của Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ trên quan điểm “không làm được thì thay ngay”, tình trạng này sẽ sớm được giải quyết.

Bởi nói như Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ kiến tạo mà không dựa vào thể chế thì không thể điều hành được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm