Khi nguyên tắc pháp quyền bị quan chức xâm phạm

Đà Nẵng lẽ ra phải bảo tồn di sản thiên nhiên hiếm có là bán đảo Sơn Trà thì lại để 40 nền biệt thự xây trái phép rồi sau đó chờ ý kiến của Thủ tướng để định đoạt số phận của chúng. Mới đây, ông tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước tỉnh Sóc Trăng cho mình cái quyền được xây biệt thự trái phép trên đất nông nghiệp (sau đó lại còn được chính quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để cấp giấy phép xây dựng). Chuyện này cũng xảy ra cách đây không lâu với ông phó Ban Nội chính tỉnh Đắk Lắk…

Điểm chung của các trường hợp sai phạm trên đều có bóng dáng của công quyền - hoặc là chính quyền địa phương sở tại hoặc là quan chức của chính quyền đó. Thật là lạ quá đi mất.

Lạ là vì nếu chiếu theo những nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền thì rõ ràng các hành xử trên đây có một độ vênh rất lớn. Bởi nguyên tắc của nhà nước pháp quyền là chính quyền phải tuân thủ pháp luật và chỉ được phép làm những gì pháp luật quy định. Điều ấy cũng nảy sinh một hệ quả tất yếu là cán bộ, công chức của chính quyền các cấp chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.

Một nguyên tắc bất di bất dịch mà ai cũng biết đó là công dân trong một quốc gia “không được phép nói không biết luật”, huống hồ gì là chính quyền, cán bộ của chính quyền đó.

Việc chính quyền địa phương các nơi hành xử theo kiểu “tiền trảm hậu tấu” sẽ tạo ra những hậu quả khôn lường về mặt quản lý xã hội, bởi làm như thế trên nhìn xuống, dưới nhìn lên, rồi biết tính làm sao. Thử hỏi, Nhà nước khi đã làm không đúng luật thì sao mà thuyết phục dân chúng tuân thủ luật pháp? Trên tinh thần đó, nếu tình trạng này không được xử nghiêm mà chỉ “rút kinh nghiệm thiếu sót” thì sẽ tạo ra những phản ứng xung đột ngấm ngầm trong lòng xã hội.

Chúng ta sẽ phải giải thích sao cho người dân khi ông tỉnh này phá hàng trăm hecta rừng phòng hộ chưa tuân thủ các quy định của pháp luật mà mới chỉ nhận khuyết điểm, trong khi tám người dân ở một tỉnh miền Đông Nam bộ mới đây chặt 12 cây tràm thì bị xử tội hủy hoại tài sản?

Chúng ta sẽ giải thích sao đây khi những căn nhà của người dân xây dựng không phép ở nhiều nơi thì bị cương quyết cưỡng chế rất đúng pháp luật. Nhưng những biệt phủ, biệt thự của quan chức thì lại khó khăn cưỡng chế phá dỡ đến lạ lùng, thậm chí là còn được tìm cách cho hợp thức hóa để tồn tại?

Điều đó buộc các sai phạm của chính quyền hoặc quan chức của chính quyền cần phải được xử lý rất nghiêm, chí ít là để tạo ra sự công bằng với việc xử lý các sai phạm của người dân. Lớn hơn là để làm gương trước xã hội.

Phá rừng, xâm hại di sản thiên nhiên, bất chấp pháp luật, hậu quả trước mắt là rừng mất đi, di sản bị ảnh hưởng, tổn hại đến đời sống xã hội, uy tín của chính quyền. Tổn thất lớn hơn phải gánh lấy đó chính là kỷ cương, pháp chế của nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang ra sức xây dựng. Điều đó buộc chúng ta phải chấn chính khẩn cấp tình trạng trên. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm