Khi Bộ trưởng Thăng cắt nghĩa cái gọi là ‘băn khoăn’

Phản ứng của Bộ trưởng Thăng đến từ thắc mắc rằng bộ trưởng đã có kết luận bỏ thủ tục chấp thuận tuyến (cho các hãng xe đò) có cách nay gần ba tháng song sao nay vẫn chưa làm. Lập tức ông Thăng xoay sang cấp dưới hỏi vặn: “Các anh còn băn khoăn gì?”. Rồi ông Thăng trả lời: “Băn khoăn là để còn tiêu cực chứ còn sao nữa. Các anh cứ lẳng lặng ăn tiền là sao? Việc chấp thuận tuyến là Bộ quyết định thì Bộ có quyền bỏ. Nếu kết luận bộ trưởng tại các cuộc họp không thực hiện thì họp làm gì?”.

Lâu nay các hãng xe chở khách tuyến cố định (còn gọi là xe đò) khi muốn đưa xe vào khai thác thì phải làm thủ tục để được chấp thuận tuyến. Quy định này xuất phát từ mong muốn của Bộ GTVT là không để lãng phí xã hội. Bởi vì nếu các hãng xe đò chỉ cần đăng ký là được chở khách (theo Quyết định 16/2007 của Bộ GTVT) thì dễ làm vô hiệu hóa sự quản lý của Nhà nước. Thế là Bộ GTVT đã điều chỉnh (bằng Thông tư 14/2010) với sự thay đổi căn bản: Trước khi đưa xe vào chở khách, các hãng xe đò phải làm thủ tục và được các Sở GTVT chấp thuận tuyến.

Đến nay Thông tư 14 đã có hai lần thay đổi song quy định về chấp thuận tuyến vẫn được duy trì. Điều này giải quyết được “nỗi lo” không sợ mất sự kiểm soát của Nhà nước, không “lo” nhà xe ào ạt đầu tư xe vượt quá nhu cầu dẫn đến lãng phí cho xã hội và còn phòng ngừa được chuyện “cá lớn nuốt cá bé”…

Tuy nhiên, thủ tục trên lại phát sinh nhiều bất cập, nhất là quy định này được cho là một hình thức ngăn sông, cấm chợ. Bởi lẽ các doanh nghiệp vận tải có năng lực thật sự đã vấp phải rào cản nêu trên, không thể đưa xe khai phá thị trường mới. Tiêu cực từ đây cũng phát sinh.

Ngoài ra, một khi tính chất cạnh tranh (trong hoạt động của các hãng xe đò) không được đảm bảo thì hành khách sẽ bớt đi cơ hội được phục vụ tốt hơn, an toàn hơn.

Hiện nay Bộ GTVT đã có quy hoạch luồng tuyến trên cơ sở khảo sát, xác định nhu cầu từng chặng, từng tuyến. Có quy hoạch này, vai trò quản lý vẫn được đảm bảo dù không có thủ tục chấp thuận tuyến. Song thực tế một số cán bộ, địa phương lại lo chuyện khác. Họ sợ phải chạy theo các hãng xe nên vẫn không muốn bỏ thủ tục “chấp thuận”.

Bỏ thủ tục, gỡ rào cản cho nhà xe thì thị trường vận tải sẽ cạnh tranh hơn và đương nhiên người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Chuyện tốt như thế thì hà cớ gì còn băn khoăn? Phải chăng là muốn giữ lại “góc khuất” như Bộ trưởng Thăng đã đặt vấn đề ở trên?

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm