Giá trị của phản biện và lợi ích quốc gia

“Lãnh đạo thành phố sẵn sàng lắng nghe ý kiến phản biện của các nhà khoa học với tinh thần cầu thị, cầu hiền và sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà khoa học có thể cống hiến hết mình”.

Lắng nghe ý kiến phản biện là một động thái tiến bộ đã xuất hiện từ lâu trong đời sống chính trị - xã hội của Việt Nam. Ngày xưa, đấng anh minh thường nghe lời can gián của trung thần khi đưa ra quyết định, nhờ đó không sa vào các sai lầm. Ngày nay, phản biện của giới trí thức khoa học là một “kênh tham chiếu” hết sức quan trọng khi đưa ra các quyết sách.

Còn nhớ, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam trước đây nhờ có tiếng nói phản biện từ các nhà khoa học, từ nhân dân… nên Quốc hội đã quyết định dừng lại. Mới đây, “siêu dự án” sông Hồng cũng nhận được ý kiến phản biện từ nhiều tầng lớp trí thức, nhân dân. Kết quả là Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng dự án và kết luận: Nếu có triển khai thì dự án phải lấy ý kiến phản biện từ nhân dân, từ MTTQ Việt Nam, VCCI và các tỉnh dọc sông Hồng.Đây chính là việc tôn trọng phản biện của Chính phủ. Kết quả là: Chính phủ đã có những lựa chọn phù hợp với lợi ích của quốc gia.

Việc tôn trọng và lắng nghe ý kiến phản biện là rất cần thiết để nhà lãnh đạo đưa ra các quyết sách đúng đắn. Vì xã hội luôn tồn tại những nhóm lợi ích khác nhau và cùnghành động, lý giải khác nhau về những hoạt động của mình để đạt tới mục tiêu riêng của nhóm. Mỗi một tiếng nói phản biện chính là một phương cách để làm cho sự xung đột lợi ích trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa được giải quyết hài hòa hơn, tiến gần tới mục tiêu và lợi ích chung của toàn xã hội hơn.

Những thực tế gần đây cho thấy phản biện luôn là biện pháp tốt để điều chỉnh, ngăn chặn những biểu hiện vụ lợi bất minh. Những phản biện, dù là trái chiều nhưng khi mục tiêu của nó là vì lợi ích lớn hơn, toàn diện hơn cho quản trị quốc gia, thì cần phải được lắng nghe và tiếp thu cho thấu đáo.

Hồ Chủ tịch từng nói: Dân chủ để cho dân mở miệng ra. Khi người dân không “mở miệng”, khi trí thức lặng im hoặc chậm lên tiếng trước những vấn đề của đất nước thì khi đó hoặc là phản biện bị triệt tiêu, hoặc là sự khuyến khích phản biện chưa đủ mạnh. Điều đó cũng sẽ đồng nghĩa với việc nguồn năng của quốc gia bị thui chột.

Phản biện, xét ở góc độ quyền tham gia chính trị, là việc công dân tham gia vào việc hoạch định chính sách và giải quyết các vấn đề dân sinh, để các chính sách, các khuynh hướng xã hội và lợi ích trở nên cân bằng hơn và chính quyền có sự lựa chọn tốt nhất khi quyết định một chính sách cho đại đa số.

Bởi vậy, chân thành lắng nghe phản biện chính là giữ gìn, phát huy và đảm bảo lợi ích cho quốc gia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm