Dứt khoát với rào cản, phiền hà !

Thủ tướng coi việc xây dựng thể chế, mà việc đầu tiên là cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD), xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường, khắc phục khó khăn cho sản xuất.

Thật ra, nói một cách công bằng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhiều ĐKKD, thủ tục kiểm tra chuyên ngành thậm chí là lẩn khuất trong các nghị định, thông tư đã được cắt bỏ. Có thể kể đến những việc như bãi bỏ những quy định về xuất khẩu gạo, kinh doanh gas, bãi bỏ 90% thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Nhưng về cơ bản, đến nay các ĐKKD vẫn là một “rừng đinh” dưới lớp thảm mang tên cải cách, cắt giảm. Cứ cắt giảm được một số điều kiện này thì lại có một số điều kiện khác phát sinh.

Chẳng hạn như một số điều kiện về kinh doanh vận tải được cắt giảm thì trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014 lại có tới hơn 80 cụm từ “do bộ trưởng Bộ GTVT quy định”. Hay việc năm 2016 một bộ trưởng hứa trước Thủ tướng sẽ bỏ quy định kiểm tra formaldehyte thì đến nay quy định này dường như được nâng cấp lên mức tinh vi hơn. Đến nỗi ngay ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, phải nói thẳng: “Bộ Công Thương đã không giữ lời hứa”.

“Sự trì trệ của một số sở, ban, ngành, một số cục, vụ làm ảnh hưởng đến sự phát triển. Các bộ trưởng, chủ tịch UBND phải có biện pháp cụ thể để xử lý vấn đề này, nhất là TP.HCM và các vùng kinh tế trọng điểm”. Thủ tướng nói như vậy trong cuộc làm việc hôm qua. Tức là đã đến lúc cần những giải pháp cụ thể hơn, những hành động quyết liệt hơn.

Thực ra những giải pháp này nhiều chuyên gia đã nói đến và Thủ tướng cũng từng đề cập. Từ việc áp dụng tiêu chuẩn OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) để cắt giảm ĐKKD đến việc phải cách chức những người cản trở cải cách. Thủ tướng từng nói: “Nếu ai không ủng hộ cải cách thì phải thay thế, phải đứng dẹp sang một bên”. Mặt khác, ngay từ tháng 11-2016, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng đã khẳng định: “Văn hóa từ chức là cần thiết”.

Nếu kết hợp những tuyên bố mạnh mẽ này của Thủ tướng, căn cứ vào các quy định của pháp luật thì rõ ràng đã đến lúc Thủ tướng cần phải có những hành động quyết liệt hơn như lời Thủ tướng đã nói: Phải thay thế những người không ủng hộ cải cách.

Dĩ nhiên, có những biện pháp kỹ thuật cũng cần được áp dụng. Kinh nghiệm đã có từ thời cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Cứ như lời của những người trong Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp 1999 kể và xác thực thì cố Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó luôn ủng hộ, chấp nhận những đề xuất của tổ thi hành chứ không phải chờ các bộ nài nỉ hoặc ra lệnh cho các bộ cắt giảm ĐKKD. Khó có thể trông chờ các bộ tự cắt giảm ĐKKD bởi họ thường ít nhiều bị ràng buộc bởi lợi ích cục bộ.

Bởi vậy, chỉ sau một thời gian ngắn thi hành Luật Doanh nghiệp, Thủ tướng Phan Văn Khải đã bãi bỏ 158/400 giấy phép tồn tại lúc đó, tức là cắt đi 40% tổng số giấy phép, chỉ bằng một quyết định.

Kinh nghiệm trên thiết nghĩ cần được tham khảo một cách thấu đáo. Tất cả là nhằm để thúc đẩy thực sự sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng cao cho quốc gia thịnh vượng. Đây là mệnh lệnh số một hiện nay!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm