Đừng lập lờ chờ dân ‘sập bẫy’

Bởi dù có tới 5.000 TTHC được cắt giảm trong năm 2017 nhưng “công cuộc gian nan” này vẫn phải tiếp tục để quyền tự do kinh doanh của người dân và DN thực sự được tôn trọng. Và dù ông Vũ Tiến Lộc nói năm 2017 là năm “được mùa” của cải cách TTHC nhưng Bộ trưởng Mai Tiến Dũng vẫn phải lưu ý: Không được biến tướng và dùng cách nói lập lờ, không định lượng được khi xây dựng các quy định hành chính.

Đúng là dù vui mừng với những “thành quả” do hàng ngàn ĐKKD, TTHC bị bãi bỏ nhưng đâu đó các chuyên gia vẫn đưa ra những cảnh báo. Đó là tình trạng “gom” nhiều TTHC thành một thủ tục và cắt giảm các ĐKKD lâu nay chưa được áp dụng. Thực tế, dù cắt giảm ĐKKD được tiến hành từ giữa năm 2016 nhưng cho tới nay, những câu chữ đánh đố người dân, DN như “phải có đạo đức tốt”, “phải khô thoáng”, “phải đúng quy định”… thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong các dự thảo thông tư, nghị định.

Đáng nói, như đại diện một hiệp hội trình bày, đôi khi những quy định được đưa ra chỉ để “đặt bẫy” DN. Để mỗi khi cơ quan nhà nước mà đại diện là cán bộ, công chức thừa hành muốn DN… khổ thì mới lôi ra áp dụng. Điều đó khiến cho DN ấm ức mà không dám nói ra. Họ “câm nín”, chịu trận vì nếu nói ra sẽ ảnh hưởng tới lợi ích chung khi hội nhập đã không còn là điều lạ lẫm.

Tâm trạng ấy của DN không phải lúc nào Chính phủ cũng biết. Bởi TTHC dù là những con chữ vô hồn nhưng khi vào tay cán bộ, công chức, nó sẽ trở thành những “hình phạt” có khi đến tàn khốc khiến DN hao tổn nguồn lực, mất mát chi phí vì cơ hội đầu tư bị tước đoạt một cách oan ức.

Cũng chính vì thế mà Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC đã đặt ra mục tiêu tiến hành nhiều cuộc đối thoại giữa Chính phủ với các DN trong năm nay. Điều đó thể hiện sự cầu thị, lắng nghe của Chính phủ với chủ trương cải cách thể chế ngay từ đầu nhiệm kỳ. Cũng vì vậy mà yêu cầu của hội đồng chính là khuyến khích các DN hiến kế để phá tan những rào cản hành chính, chứ không chỉ tập trung nêu ra những khó khăn, vướng mắc.

Bởi như Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Các cơ quan quản lý nhà nước không trực tiếp kinh doanh, sản xuất nên không thể hiểu sâu sắc những vướng mắc như các DN. Chỉ khi các DN chịu “mở miệng” thì những cải cách hành chính mới có thêm cơ sở từ thực tế, tránh được những chính sách từ phòng lạnh làm đông cứng khả năng sáng tạo của DN.

Bởi thế, cải cách thể chế chắc chắn không phải chỉ là việc của cơ quan quản lý, mà phải là công tác mà DN phải góp phần. Nhưng với bối cảnh hiện nay, trước hết cơ quan quản lý không nên lập lờ để chờ dân, DN sập bẫy chính sách.

Chỉ khi đó DN, người dân mới chủ động hơn trong việc kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ những quy định vô cảm như từng thấy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm