Đứa trẻ 8 tháng tuổi và các đại án gây thất thoát

Đó là hình ảnh đứa bé tám tháng tuổi, ngày đêm mưu sinh với người mẹ gầy gò khắp nẻo đường ở khu phố Tây (TP.HCM). Mái nhà của nó là những vỉa hè, trước những tiệm ăn treo đèn điện sáng lóa. Bồn tắm của nó có khi là các toilet công cộng quanh Công viên 23-9. Không gian sống của nó có cả “làn khói trắng” quây bủa và những cơn ho sặc sụa của người mẹ vốn đã nghiện (bà mẹ dùng một phần số tiền người ta bố thí cho thằng bé để hít ma túy).

Có lẽ hiếm hoi lắm, từ lúc ra đời đến nay, nó mới được tắm nước sạch vào chiều 18-1, khi các lực lượng chức năng của phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) đưa hai mẹ con về phường để làm thủ tục cho người mẹ đi cai nghiện và tạm gửi thằng bé cho các cô bảo mẫu ở làng Hòa Bình (BV Từ Dũ) săn sóc.

Ai nhìn đôi mắt ngơ ngác của thằng nhỏ giữa cuộc đời đều thấy lòng quặn thắt.

Tôi thì xót xa đến tận cùng, khi ra rả từ sân tòa đến mạng xã hội, người ta nghe đến mỏi tai số tiền thất thoát từ chục tỉ, trăm tỉ, rồi sai phạm đến cả ngàn tỉ đồng. Còn ở đây, thằng nhỏ tám tháng tuổi đời - cái tuổi đáng lẽ phải được chăm bẵm, nuôi nấng mọi bề thì đã phải khốn khổ từ những ngày mới lọt lòng.

Tất nhiên, nhiều người chậc lưỡi bảo rằng sự đời nó thế. Chuyện thằng bé tám tháng tuổi ăn xin cùng người mẹ nghiện và chuyện các cựu quan chức bị đưa ra xét xử thì có mối liên hệ gì đâu.

Ừ, thì làm gì có mối liên hệ trực tiếp nào giữa hai sự vụ, với các thân phận cụ thể này với nhau kia chứ. Bởi bị cáo tại các phiên tòa này hầu hết là các cựu quan chức đã từng kinh qua những vị trí rất cao hoặc những ông “trùm” trong lĩnh vực tài chính. Cuộc đời của họ chắc có lẽ chưa bao giờ hình dung nổi một đứa trẻ tám tháng tuổi lại phải sống vất vưởng thế này.

Nhưng thử hỏi sao thằng bé tám tháng tuổi kia (và nhiều trường hợp khác nữa) đáng lẽ phải được thụ hưởng quyền sống một cách bình đẳng như bao đứa trẻ khác thì lại rơi vào cảnh đời như thế. Đáng lẽ nó phải được có một mái nhà, được cuộn trong chăn ấm khi trời khuya gió lạnh; được tắm nước sạch, được hít thở không khí trong lành chứ… Và có lẽ điều này sẽ hiện hữu gần hơn khi đất nước, xã hội nó đang sống giàu có hơn, phồn vinh hơn.

Nói một cách nào đó việc gây ra thất thoát công sản từ các ông quan đã kéo trì sự đi lên của đất nước, gây thêm gánh nặng cho xã hội và phần nào đó tước mất cơ hội phát triển cũng như sự bình đẳng trong thụ hưởng của các chủ thể khác.

Không phải không có lý khi người ta đặt ra hai bức tranh đối lập giữa việc hàng bao đứa trẻ trên khắp đất nước này đang sống trong cảnh đói nghèo, rách rưới; thiếu trường lớp, phương tiện học tập cùng rất nhiều thân phận bĩ cực với việc các ông quan chôn núi núi tiền, đôla vào các dự án ảo, dự án kém hiệu quả; vào việc ăn chơi sa đọa hoặc chảy vào túi riêng của các thế lực nào đó.

Rõ ràng đây là nguyên nhân trực tiếp làm cho nguồn lực phát triển đất nước kiệt quệ, là nhân tố gián tiếp kéo trì sự đi lên của đất nước; gián tiếp hoặc trực tiếp tước đoạt các cơ hội phát triển của các chủ thể khác; tạo nên sự bất đối xứng trong xã hội.

Xét ở khía cạnh này, muốn xã hội phát triển, phồn vinh, từ đó tạo ra các cơ hội thụ hưởng tương thích - công bình cho mọi người và để một ngày nào đó không còn cảnh như đứa bé tám tháng tuổi ăn xin mà tôi nói trên đây thì phải chặn đứng các “vòi bạch tuộc” đang ra sức bòn rút công sản quốc gia. Phải nghiêm trị những hành vi gây thất thoát, hao tổn tiền thuế của dân, ngân sách nhà nước. Và trên hết là phải giao nguồn lực của quốc gia vào cho những người đủ tài năng, đủ trong sạch, hết lòng phụng sự vì sự giàu mạnh của quốc gia, dân tộc này.

Nếu không như thế thì không còn cách nào khác!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm