Đại biểu Quốc hội không đội ‘hai mũ’, được không?

Sau mỗi lần vị ĐB ấy chất vấn một bộ trưởng nào đó thì trưởng đoàn ĐBQH của địa phương đó đến gặp người bị chất vấn phân trần: “Mong anh thông cảm. Ông ấy là ĐB của trung ương, chứ nếu là ĐB của địa phương thì chúng em không cho làm thế đâu!”.

Hồi đầu nhiệm kỳ QH khóa XIV, một ĐBQH không phải ở trung ương cũng tâm sự: “Bí thư tỉnh ủy đã quán triệt rồi, tôi không phát biểu về những vấn đề ấy đâu. Nhà báo thông cảm!”. Gần đây, có một vị ĐBQH khi chuyển từ địa phương lên trung ương thì báo chí nhận được nhiều hơn những “cái lắc đầu” từ vị ĐBQH ấy mỗi khi đề cập đến những vấn đề của ngành mà vị này phụ trách.

Những điều ấy cho thấy đề xuất của Bộ trưởng Trần Hồng Hà ngày 29-10 về việc không nên để bộ trưởng, chủ tịch tỉnh làm ĐBQH là có lý. Vì thật ra, như ĐB Trương Trọng Nghĩa nói, đôi khi ĐBQH thuộc hành pháp sẽ phải “đội hai mũ” mà đôi khi không biết nên nói theo “mũ nào”.

Nhưng thực ra vấn đề này là do “hệ quả” của một QH cơ cấu mà lâu nay thể chế nước ta vẫn vận hành. “Quan chức” bên hành pháp được bầu vào QH thực ra là để đại diện cho ngành mà người ấy phụ trách. Và đương nhiên, sự phân biệt giữa địa phương và trung ương trong cơ cấu ĐB đã chi phối ĐBQH theo kiểu “cấp trên - cấp dưới” trong tư duy và thực tiễn, chứ không phải như lý thuyết là mọi ĐBQH đều ngang nhau.

Việc phản biện một chính sách của Chính phủ thật ra cũng phải rất “tế nhị”. Xung đột lợi ích giữa địa phương và trung ương rõ ràng là tồn tại. Câu chuyện cắt giảm tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM mấy năm trước là một minh chứng rõ ràng. Và sự xung đột lợi ích ấy có thể lấy giải pháp của Bộ trưởng Trần Hồng Hà để giải quyết. Bởi nếu như Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã cảm thấy khó xử khi phải vừa đóng vai hành pháp, vừa đóng vai tư pháp thì hẳn nhiên đây phải là “tâm tư” của nhiều người.

Tất nhiên, Hiến pháp 2013 quy định Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước QH thì việc các thành viên của Chính phủ là ĐBQH là điều dễ hiểu. Nhưng với yêu cầu hoạt động chuyên trách và tránh xung đột lợi ích như đang đặt ra thì thành viên Chính phủ, bí thư tỉnh, chủ tịch tỉnh không nên là ĐBQH cũng là một lời giải hay.

Điều này vừa làm tăng tính độc lập của ĐBQH, vừa tránh được tình trạng “địa phương hóa” khi thảo luận những vấn đề quốc gia; tránh được việc những công trình riêng lẻ của địa phương cũng được đặt lên nghị trường.

Và tất nhiên, điều đó cũng tránh được tình trạng khó khăn khi ĐBQH muốn thực hiện chức năng giám sát. Vì ĐBQH sẽ không lo việc phê phán, phản biện chính sách sẽ ảnh hưởng không tốt cho địa phương mà mình đại diện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm