Chậm ra luật, có ai mất chức đâu!

Xây dựng thể chế là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các bộ, ngành. Đương nhiên, ở một trạng thái lý tưởng, là các luật được Quốc hội thông qua sẽ không cần nghị định, thông tư hướng dẫn. Nhưng cuộc sống luôn phát sinh những quan hệ mới mà pháp luật thì lúc nào cũng lạc hậu so với cuộc sống. Chính vì vậy việc xây dựng kịp thời các dự luật, nghị định, thông tư… đóng một vai trò quan trọng trong điều hành kinh tế- xã hội.

Nhưng khổ nỗi không phải lúc nào các bộ trong phạm vi, chức năng quản lý của mình cũng có thể hoàn thành thật tốt nhiệm vụ xây dựng thể chế.

Ngoài chuyện trích dẫn ý kiến phê bình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với một số dự luật như… bản nháp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thậm chí còn phê bình ngay cả các bộ chỉ cử cấp vụ đi họp chứ không phải là lãnh đạo.

Ngay cả đại diện Bộ Công an, khi trình bày lý do vì sao một số thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự chậm ban hành cũng bị phê bình. Lý giải của Bộ Công an là do các cơ quan khác chậm, gửi văn bản thì phải mất thời gian và “xin” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho nợ dự thảo tới trước ngày khai mạc Quốc hội.

Nhưng không, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chốt ngay lại phải gửi sớm hơn. Ông còn chia sẻ kinh nghiệm xây dựng văn bản pháp luật của Văn phòng Chính phủ và đề nghị Bộ Công an mời đại diện các cơ quan liên quan đến làm việc để chốt lại. Bởi “cứ theo đường công văn thì lâu lắm!”.

Một số bộ khác lý giải vì phải tiếp thu ý kiến của phó thủ tướng, hay phải thống nhất phương án hài hòa các ý kiến khác nhau để “xin” lùi ngày trình báo cáo, dự thảo. Nhưng không, những yêu cầu ấy không được đáp ứng và cuối cùng, thời điểm được chốt là ngày 5-5-2018.

Có thể thấy trong thời gian gần đây Chính phủ đã đốc thúc mạnh hơn các bộ trong công tác xây dựng thể chế. Không chỉ dừng lại ở những câu chữ vô hồn, những con số đẹp mà từng tiếng kêu của doanh nghiệp, người dân đã được lắng nghe và thấu hiểu ít nhiều.

Những nghị định cắt giảm 90% thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm, 675 điều kiện kinh doanh ngành công thương, những dự luật, dự thảo trong các ngành xây dựng, giao thông, giáo dục… theo hướng cắt giảm quy định vô lý đã và đang được thực hiện ráo riết. Bởi chắc chắn Chính phủ hiểu được rằng: Chậm ban hành thể chế tiến bộ ngày nào thì doanh nghiệp và người dân sẽ còn khổ ngày ấy, hậu quả xảy ra cho nền kinh tế là khó có thể đong đếm.

Chỉ có điều, dù còn nhiều chậm trễ trong xây dựng thể chế nhưng những địa chỉ cụ thể về trách nhiệm vẫn chưa được chỉ ra. Vẫn chưa có một quan chức có trách nhiệm nào mất “áo mão cân đai” khi kéo dài việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phải chăng đây chính là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản pháp luật, dù ít nhiều được khắc phục, vẫn hiện hữu như một lực cản cho kinh tế-xã hội phát triển?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm